Đưa âm nhạc dân tộc vào học đường

Việc đưa âm nhạc dân tộc vào nhà trường đã diễn ra trong nhiều năm nay tại Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Ca sĩ Bích Phượng biểu diễn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Ca sĩ Bích Phượng biểu diễn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bằng tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc, một số cá nhân, tổ chức vẫn không ngừng đổi mới nội dung chương trình để tiếp tục lan tỏa những làn điệu quê hương ngày một thấm sâu vào tâm hồn giới trẻ.

Đầu tháng 11 vừa qua, nhóm sinh viên Dự án tốt nghiệp khóa 18.3 chuyên ngành truyền thông và tổ chức sự kiện thuộc Trường cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh (Cao đẳng FPT) đã tổ chức chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Hồn non nước” nhằm góp phần bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá giá trị các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam với công chúng trẻ là các bạn sinh viên của trường.

Chương trình đã mang đến cho các bạn nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: Dân ca quan họ, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví, giặm Nghệ-Tĩnh và Hát văn. Thạc sĩ Phạm Thái Bình, diễn giả của chương trình cho biết, anh rất hạnh phúc khi được các bạn sinh viên gợi ý tổ chức một chương trình âm nhạc dân tộc ngay tại trường. Điều này đã góp phần lan tỏa sâu rộng giá trị quý báu của các loại hình nghệ thuật dân gian đến công chúng trẻ, nhất là giới sinh viên, qua đó Ban Tổ chức cũng muốn tri ân các bậc tiền nhân đã dày công vun đắp các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống của Việt Nam.

Bạn Nguyễn Tú Trinh, lớp PR02132 chuyên ngành Truyền thông và Tổ chức sự kiện, Cao đẳng FPT chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em được nghe giới thiệu về Dân ca quan họ, Đờn ca tài tử Nam Bộ một cách chi tiết đến thế. Qua lời giới thiệu của diễn giả cũng như các tiết mục biểu diễn của các nghệ nhân, em và các bạn sinh viên cảm nhận được vẻ đẹp và yêu hơn nghệ thuật dân gian truyền thống của nước nhà”.

Thạc sĩ Phạm Thái Bình, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, anh và nhóm “Cội xưa” chuyên về âm nhạc dân tộc vẫn thường tổ chức các chương trình biểu diễn, giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và các loại hình nghệ thuật được tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đến với các bạn trẻ và sinh viên, học sinh ở các trường trên địa bàn thành phố.

“Qua mỗi lần biểu diễn, chúng tôi cảm nhận tình yêu của các bạn trẻ dành cho âm nhạc dân tộc ngày một lớn hơn. Điều đó làm cho chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc” - Thạc sĩ Phạm Thái Bình bày tỏ.

Gần 20 năm nay, Câu lạc bộ sân khấu Lạc Long Quân đã trở thành cái tên quen thuộc đối với nhiều bạn học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh. Trong tháng 10 vừa qua, Câu lạc bộ có một chương trình đầy hào hứng diễn ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Quận 4.

Các bạn học sinh của trung tâm đã cổ vũ, hòa chung tiếng hát với các nghệ sĩ, ca sĩ qua các bài mang âm hưởng dân ca. Ca sĩ Bích Phượng cho biết, chị đã nhiều lần đến các trường biểu diễn cho học sinh, và lần nào cũng mang đến cho chị những điều thú vị.

“Để âm nhạc dân tộc, các làn điệu dân ca Nam Bộ thấm sâu vào các bạn trẻ, tôi thường xuyên gửi đến các em những ca khúc của nhạc sĩ Bắc Sơn, các bài dân ca Nam Bộ. Nhìn các em hào hứng chào đón qua mỗi tiết mục, tôi và các ca sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình cảm thấy vô cùng hạnh phúc” - ca sĩ Bích Phượng chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Kha, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên Quận 4 cho biết: “Để tổ chức một chương trình âm nhạc dân tộc tại trung tâm không phải là chuyện dễ dàng. Chính vì thế, khi Câu lạc bộ sân khấu Lạc Long Quân đến với trung tâm để phục vụ, giới thiệu âm nhạc dân tộc cho học sinh là chúng tôi đồng ý ngay”.

Theo ông Nguyễn Minh Kha, qua mỗi lần biểu diễn, dù thời gian không nhiều nhưng các tiết mục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của câu lạc bộ đã phần nào giúp cho các em học sinh tại trung tâm tiếp xúc với âm nhạc dân tộc, hiểu hơn về những giá trị độc đáo của các loại hình nghệ thuật dân gian của Việt Nam.

Theo đạo diễn Thanh Hiệp, người phụ trách Câu lạc bộ sân khấu Lạc Long Quân, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ ở các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trực thuộc sở đã đồng hành với câu lạc bộ để đến biểu diễn tại các trường trên địa bàn thành phố.

Những cái tên như Nghệ sĩ Ưu tú Võ Minh Lâm, Phạm Huyền Trâm, Huỳnh Quý, Chấn Cường, Cao Mỹ Châu, Nhật Khánh, cùng các ca sĩ Bích Phượng, Nguyễn Phi Hùng, Minh Quân,… đã luôn nhiệt tình, mang nhiều tiết mục ca cảnh, các trích đoạn trong các vở tuồng nổi tiếng, những ca khúc mang âm hưởng dân ca đến với đông đảo các em học sinh.

Đạo diễn Thanh Hiệp cho biết thêm, thời gian tới, câu lạc bộ tiếp tục đưa các chương trình sân khấu học đường, được tổ chức thành các chuyên đề đến với học sinh, sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh. Từ các chương trình này, câu lạc bộ mong muốn vun đắp cho các bạn tình yêu đối với âm nhạc dân tộc, các loại hình nghệ thuật truyền thống, từ đó yêu hơn quê hương, đất nước mình.