Năm 2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt chủ trương "điện rác" và đến tháng 11/2023, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn vận hành, hoà lưới điện quốc gia, hiện 5 lò đốt rác của nhà máy đang xử lý từ khoảng 5.000 tấn/ngày, công suất phát điện tối đa đạt 90MW... đã góp phần giải quyết hơn 70% lượng rác phát sinh ở Hà Nội; đồng thời, giảm áp lực việc mở rộng các khu chôn lấp rác ở hai khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (huyện Ba Vì - thị xã Sơn Tây).
Công nhân vận hành Nhà máy điện rác Sóc Sơn. |
Từ khi vận hành đến nay, Nhà máy Điện rác Sóc Sơn đã tiếp nhận và xử lý rác thải bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường; góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ xảy ra sự cố môi trường do ùn ứ rác thải sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội và lượng nước rỉ rác phát sinh do phải chôn lấp. Bên cạnh đó, việc đốt rác còn tiết kiệm nguồn tài nguyên đất do thành phố không phải bố trí một diện tích đất rất lớn để chứa, chôn lấp rác và xử lý nước rỉ rác, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn môi trường nghiêm trọng.
Cùng với Nhà máy điện rác Sóc Sơn, dự án Nhà máy Điện rác Seraphin tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn- nhà máy điện rác thứ hai sắp vận hành sẽ giải quyết được vấn đề ô nhiễm vệ sinh môi trường.
Trong tương lai, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các dự án xử lý rác thải hiện đại tại các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Gia Lâm... góp phần giảm cự ly vận chuyển, giảm chi phí và giảm nguồn chi của ngân sách.
Nhiều năm nay, hình ảnh công nhân vệ sinh môi trường dùng tay đẩy các xe ba bánh với dung tích 500 đến 600 lít len lỏi khắp các tuyến đường để thu gom rác từ các hộ dân, vận chuyển tới điểm tập kết rác để đưa lên xe ép rác đã rất quen thuộc với người dân Thủ đô.
Do lượng rác thải lớn, công việc của công nhân thu gom vận chuyển rác rất vất vả, nhưng năng suất lao động không cao. Nhiều thời điểm lượng rác thải phát sinh lớn không được thu gom, vận chuyển kịp thời, gây mất vệ sinh môi trường.
Hà Nội khắc phục những bất cập trong cải cách hành chính và xử lý rác thải
Vấn đề này cũng trở thành đề tài “nóng” tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 20 Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội khóa 16 diễn ra từ ngày 9 đến 12/12.
Đại biểu Trần Khánh Hưng (tổ huyện Ba Vì) cho rằng, việc thu gom xử lý rác đã được cải thiện, nhưng vẫn còn tình trạng tồn đọng rác thải trên hè phố. Quá trình vận chuyển làm nước rác chảy ra đường gây mất vệ sinh môi trường, thiếu điểm tập kết rác…
Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, sau năm 2023, thành phố đã giao công tác thu gom rác cho các quận, huyện tổ chức đấu thầu và đã đưa ra những tiêu chí để đưa ra đấu thầu như có phương tiện hiện đại, đặt thùng rác, thu gom tự động… Các quận, huyện đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn các đơn vị trúng thầu cơ bản đáp ứng được việc vận chuyển toàn bộ rác, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thu gom theo hướng hiện đại.
Vừa qua, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã mời lãnh đạo Ủy ban nhân dân bốn quận nội đô (cũ) và Công ty Môi trường đô thị Hà Nội họp bàn.
Thành phố yêu cầu từ năm 2025 phải tiến hành thu gom rác thải tự động, giảm nhân công, bảo đảm vệ sinh môi trường. Các quận khác cũng nghiên cứu để từ năm 2026 đồng loạt triển khai thu gom rác theo hướng hiện đại.