Tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về hai chủ đề chính. Đó là: Xử lý rác thải - công cụ thực thi kinh tế tuần hoàn, chính sách thúc đẩy xử lý rác thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường. Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, phát triển nhà máy điện sử dụng rác thải, chất thải để bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV đã thể chế hóa các yếu tố kinh tế tuần hoàn đối với quản lý rác thải. Cụ thể như: Tiếp tục thúc đẩy ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải, thân thiện với môi trường, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phân loại chất thải rắn sinh hoạt, định giá thu gom xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo lượng; quy định trách nhiệm thu gom, tái chế, xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu đối với sản phẩm, bao bì...
Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nước ta đang đối mặt với áp lực rất lớn khi lượng rác thải sinh hoạt ngày càng tăng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và làm suy giảm tài nguyên thiên nhiên...
Trong khi đó, việc triển khai kinh tế tuần hoàn trong xử lý rác thải ở Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là: Nhận thức của người dân về phân loại rác còn hạn chế, hệ thống thu gom và xử lý chưa đồng bộ, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó, việc thiếu vốn đầu tư, công nghệ lạc hậu và khung pháp lý chưa hoàn thiện cũng là những trở ngại lớn.
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã có những chia sẻ thiết thực, đồng thời đưa ra những kiến nghị, giải pháp khả thi về cơ chế, chính sách cũng như các giải pháp về phát triển kinh tế tuần hoàn và xử lý rác thải ở Việt Nam trong thời gian tới.
Các ý kiến tại Tọa đàm cho rằng, trước thực trạng tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, bài toán đặt ra là phải chuyển đổi phương thức, mô hình theo hướng bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội, mà vẫn bảo vệ được môi trường.
Xử lý rác thải là công cụ để thực thi kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, mỗi ngày các đô thị thải ra khoảng 38.000 tấn rác sinh hoạt, khu vực nông thôn khoảng 32.000 tấn.
Ước tính, lượng chất thải rắn sinh hoạt ở các đô thị tăng trung bình 10 đến 16% mỗi năm. Ngành công nghiệp mỗi năm thải ra khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn, trong đó khoảng 8,1 triệu tấn từ các khu công nghiệp.
Mỗi năm, cả nước có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, đứng thứ 4 trong top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, dự báo đến năm 2030, sau chưa đầy 15 năm, lượng chất thải phát sinh của Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 27 triệu lên 54 triệu tấn.
Trong khi đó, phương pháp xử lý rác thải chính hiện nay ở Việt Nam là chôn lấp, với kỹ thuật đơn giản. Thực tế cho thấy, các phương pháp xử lý rác thải tại nước ngoài áp dụng cho nước ta đều không hiệu quả do đặc thù rác thải chưa được phân loại tại nguồn.