Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, đến 11 giờ ngày 7/9, Cục đã nhận được báo cáo nhanh của các Khu Quản lý đường bộ I, II, III và các Sở Giao thông vận tải Quảng Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Sơn La và Nghệ An. Theo thông tin sơ bộ, tình hình giao thông trên các tuyến vẫn bảo đảm an toàn, chưa có thiệt hại do mất an toàn giao thông, một số tuyến đường cây gãy đổ, đã được cắt dọn, bảo đảm an toàn giao thông.
Khu Quản lý Đường bộ I đã cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua cầu Đình Vũ (tuyến Tân Vũ-Lạch Huyện, Hải Phòng), cầu Bãi Cháy trên quốc lộ18 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và cầu Kiền tại quốc lộ 10 qua thành phố Hải Phòng để bảo đảm an toàn.
Cục đã yêu cầu dừng khai thác từ 17 giờ ngày 6/9 các bến phà Cồn Nhất (quốc lộ 37 Thái Bình-Nam Định), phà Đại Nội (quốc lộ 21B), phà Đống Cao và cầu phao Ninh Cường trên quốc lộ 37B Nam Định để bảo đảm an toàn. Phà Vạn Yên quốc lộ 43 tỉnh Sơn La đang khai thác hạn chế và được Sở Giao thông vận tải Sơn La theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng tạm dừng khai thác khi bão đến, hoặc gió lớn, lũ mạnh trên sông Đà.
Khu Quản lý Đường bộ I đã cấm toàn bộ người và phương tiện lưu thông qua cầu Đình Vũ (tuyến Tân Vũ-Lạch Huyện, Hải Phòng), cầu Bãi Cháy trên quốc lộ18 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) và cầu Kiền tại quốc lộ 10 qua thành phố Hải Phòng để bảo đảm an toàn. |
Trên các tuyến quốc lộ chưa xảy ra hiện tượng ngập úng hay sạt lở ta luy âm, ta luy dương. Trên các tuyến khu vực ảnh hưởng nặng và vùng tâm bão đi qua, đã rút cán bộ, nhân viên tại các trạm thu phí trên đường vào làm việc tại các nhà điều hành để bảo đảm an toàn cho người thực hiện công việc này; mở barie và thực hiện trừ tiền phương tiện đi qua trên hệ thống ETC, hoặc tạo OTC để trừ sau.
Về vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, căn cứ diễn biến của bão số 3, cục yêu cầu các đơn vị chủ động phương án tạm dừng các hoạt động vận tải đường bộ trong thời gian bão số 3 đổ bộ, bảo đảm an toàn cho tính mạng con người và tài sản, sẵn sàng phương án chuyển tải hành khách trong trường hợp nếu có sự cố đặc biệt.
Đồng thời, chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng, chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền tuyệt đối không đưa phương tiện tham gia kinh doanh vận tải khi thời tiết xấu; sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động.
Cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô, các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ sẵn sàng chuẩn bị phương tiện, người lái xe theo danh sách đã đăng ký, để thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giao thông vận tải.
Cùng đó, không tổ chức hoạt động vận chuyển khách, hàng hóa có hành trình đi qua các vùng bị ngập sâu, các tuyến đường bị sạt lở, tuyến đường nguy hiểm không bảo đảm an toàn, các khu vực dự báo có bão đổ bộ (trừ các phương tiện được huy động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai).
Máy đo gió trên cầu Đình Vũ. |
Liên quan tổ chức bảo đảm giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo trì tuyến đường thực hiện ứng trực; phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức phân luồng giao thông;
Khẩn trương khắc phục để thông xe, nhất là đối với các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị cô lập; tổ chức các đoàn công tác đến ngay các vị trí sạt lở có địa hình phức tạp đề ra các giải pháp khắc phục để thông xe nhanh nhất.
Ngoài lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị, lực lượng tại chỗ của các đơn vị quản lý bảo trì đường bộ, Cục đã chỉ đạo các Khu Quản lý đường bộ, Sở Giao thông vận tải huy động thêm vật tư, thiết bị, máy móc, thiết bị cũng như nhân lực trong và ngoài ngành để triển khai công tác khắc phục.
Cục cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan công tác bảo trì đường bộ tổ chức trực gác 24/24 giờ tại những vị trí nguy hiểm, bố trí hệ thống an toàn giao thông tại hai đầu đoạn bị ngập, đồng thời làm việc với các lực lượng chức năng của địa phương để tổ chức điều tiết bảo đảm giao thông; tập trung lực lượng vệ sinh mặt đường các đoạn đường bị ngập, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông; sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường và bị sụt lở ta luy âm để thông xe.