Chương trình này nhắm đến việc tạo ra một chuỗi cung ứng bền vững-an toàn-trách nhiệm-minh bạch; thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, nhà bán lẻ, người tiêu dùng và cơ quan nhà nước.
Bắt nhịp xu hướng của người dùng
Chị Đặng Trang, ngụ thành phố Thủ Đức, cho biết: Chị thường xuyên mua sắm thực phẩm, hàng tiêu dùng hằng ngày cho gia đình tại các siêu thị, cửa hàng thực phẩm. “Với người tiêu dùng trẻ, giá cả không là vấn đề mà làm sao yên tâm và tin tưởng sản phẩm mình mua là sạch, an toàn cho gia đình. Vì thế, tôi chọn những điểm bán tin cậy”, chị Trang cho biết.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển và cạnh tranh gay gắt, vấn đề an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu này, cũng như góp phần vào Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” đã được triển khai với mục tiêu không chỉ vận động mà còn “chinh phục” niềm tin của người tiêu dùng.
Là một trong 8 nhà bán lẻ tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, ông Vũ Dương Quân, Trưởng ban Quản lý hệ thống bán lẻ SATRA, cho biết: Hệ thống đã chủ động cung cấp thông tin cho các nhà cung cấp hiện đang hợp tác, khuyến khích họ tự nguyện đăng ký tham gia chương trình này.
Satra đã thực hiện đầy đủ các quy định và quy trình về an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào. Ảnh chụp tại Satramart Siêu thị Sài Gòn. |
Trong bước đầu triển khai, Satra đã tiến hành phối hợp với các nhà cung cấp để xây dựng kế hoạch đưa “Tick xanh trách nhiệm” vào bao bì sản phẩm, giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết. Đồng thời, các khu vực trưng bày sản phẩm cũng sẽ được thiết kế để quảng bá mạnh mẽ cho chương trình này thông qua việc sử dụng các bảng chỉ dẫn, ticket, và áp phích.
Theo ông Vũ Dương Quân, sự hợp tác này không chỉ bảo đảm rằng tất cả các sản phẩm đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn và chất lượng mà còn tạo ra một chuẩn mực mới cho thị trường, nâng cao uy tín của các hệ thống bán lẻ.
Hiện nay, đã có bốn nhà cung cấp tham gia chương trình này gồm: Công ty cổ phần Wincofood, Công ty TNHH đầu tư thương mại dịch vụ Yến đảo Cần Giờ, Công ty TNHH MTV Mekong Delta Food, và Công ty TNHH Đồng Xanh Farm. Trong đó, công ty Đồng Xanh Farm đã được khảo sát vào tháng 1/2024, và công ty Mekong Delta Food dự kiến sẽ được khảo sát vào tháng 8/2024. Doanh thu của bốn nhà cung cấp này đến thời điểm hiện tại là khoảng 13,1 tỷ đồng, cho thấy tiềm năng lớn của chương trình trong việc thúc đẩy chất lượng và uy tín của hàng Việt Nam.
Khuyến khích nhà cung cấp tự nguyện
Ông Vũ Dương Quân cho biết: Chương trình “Tick xanh trách nhiệm” không chỉ là một sáng kiến trong việc bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn là một công cụ chiến lược giúp nâng cao vị thế của các nhà bán lẻ trên thị trường. Việc kiểm soát và xác nhận “Tick xanh trách nhiệm” được thực hiện nghiêm ngặt, tương tự như việc kiểm tra chất lượng và hồ sơ chất lượng sản phẩm khi các nhà cung cấp muốn đưa hàng hóa vào hệ thống bán lẻ Satra. Các yêu cầu cơ bản bao gồm: Giấy chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn, giấy chứng nhận VietGAP/GlobalGAP, và giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc các chứng nhận ISO tương đương. Những hồ sơ này phải được cấp bởi các cơ quan có thẩm quyền và bảo đảm tính rõ ràng trong quy trình sản xuất, cùng với khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
“Tick xanh trách nhiệm” sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường đối với nhà cung cấp tự nguyện nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất… |
Cũng theo ông Quân, đến nay, hệ thống bán lẻ Satra chưa gặp phải khó khăn nào đáng kể trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm từ các nhà cung cấp tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Có được điều này do Satra đã thực hiện đầy đủ các quy định và quy trình về an toàn thực phẩm ngay từ đầu vào.
Satra cũng đã có những bước chuẩn bị cần thiết để triển khai chương trình này khi số lượng nhà cung cấp tham gia tăng lên. Cụ thể, các sản phẩm đạt chuẩn sẽ được trưng bày ở khu vực riêng biệt, hoặc có bảng chỉ dẫn rõ ràng tại quầy kệ để người tiêu dùng dễ nhận biết.
Satra cũng đã đưa ra nhiều biện pháp khuyến khích người tiêu dùng tham gia tích cực vào việc giám sát và cảnh báo về chất lượng sản phẩm, nhằm tạo ra một môi trường mua sắm an toàn và minh bạch.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, chương trình “Tick xanh trách nhiệm” sẽ mở ra cơ hội phát triển thị trường đối với nhà cung cấp tự nguyện nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng. Hiện, Sở Công thương cũng đang phối hợp các tỉnh, thành trong việc thúc đẩy có thêm nhiều doanh nghiệp cam kết chất lượng và đăng ký tham gia Chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Mặc dù chương trình “Tick xanh trách nhiệm” mang lại nhiều lợi ích cho cả nhà cung cấp và người tiêu dùng, nhưng hiện nay mức độ nhận biết của người tiêu dùng vẫn còn thấp do chương trình còn khá mới mẻ và số lượng nhà cung cấp tham gia còn hạn chế. Hơn nữa, việc thay đổi bao bì để in nhãn “Tick xanh trách nhiệm” cũng chưa được thực hiện rộng rãi, làm cho người tiêu dùng khó nhận biết sản phẩm đạt chuẩn.
Theo ông Dương Vũ Quân do chương trình còn quá mới mẻ, vẫn còn rất ít nhà cung cấp đăng ký tham gia chương trình, ngay cả khi tham gia họ vẫn chưa sẵn sàng thay đổi bao bì có nhãn “Tick xanh trách nhiệm”, do đó mức độ nhận biết của người tiêu dùng chưa cao. “Cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các bên liên quan, cùng với việc tăng cường tuyên truyền và quảng bá chương trình. Chỉ khi đó, chương trình mới thực sự trở thành một tiêu chuẩn được công nhận và tin cậy trên thị trường”, ông Dương Vũ Quân kiến nghị.
“Tick xanh có trách nhiệm” là chương trình tác kiểm soát chất lượng hàng hóa do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hồ Chí Minh đã phát động. Đến nay, đã có 8 hệ thống bán lẻ lớn hàng đầu Việt Nam, gồm Saigon Co.op, Satra, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh Wincomerce và Kingfood Market cùng tham gia và đã ký Thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng. Theo chương trình này:
Nhà cung cấp tự nguyện nâng cao trách nhiệm tự kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, tự nguyện chia sẻ thông tin để ngăn chặn sản phẩm lỗi đến tay người tiêu dùng.
Nhà bán lẻ cùng hành động, cùng ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, tự nguyện hợp tác hình thành hệ thống kiểm soát chất lượng tổng hợp; đồng thời ưu tiên phân phối sản phẩm “Tick xanh trách nhiệm”.
Người tiêu dùng trách nhiệm giám sát, cảnh báo, chung tay ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng; ưu tiên lựa chọn sản phẩm “tick Xanh trách nhiệm”.
Nhà nước trách nhiệm quản lý và hỗ trợ các bên kiểm soát chất lượng hàng hóa; phát huy các giải pháp phòng ngừa chủ động.