Chủ động kiểm soát nguồn gốc thực phẩm

Mùa hè, thời tiết nắng nóng là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi-rút phát triển, xâm nhập, tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Do đó, cùng với sự chủ động của các cơ quan, ngành chức năng trong kiểm soát nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP)... người dân cần tự trang bị, nâng cao kiến thức trong lựa chọn, sử dụng, bảo quản thực phẩm.
0:00 / 0:00
0:00
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra một siêu thị trên địa bàn quận Tây Hồ. (Ảnh Thu Trang)
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 1 của thành phố Hà Nội kiểm tra một siêu thị trên địa bàn quận Tây Hồ. (Ảnh Thu Trang)

Đầu tháng 4/2024, tại tỉnh Khánh Hòa, Sở Y tế thông tin một vụ ngộ độc thực phẩm khiến 10 học sinh phải nhập viện điều trị với các triệu chứng nghi ngộ độc như đau bụng, nôn ói. Số học sinh này có biểu hiện ngộ độc sau khi ăn cơm thịt gà gần trường. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm gửi đi xét nghiệm. Trước đó, vào tháng 3/2024, tại Khánh Hòa đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể nghiêm trọng tại quán cơm gà Trâm Anh khiến 368 người phải vào viện khám, điều trị. Các nạn nhân bị ngộ độc sau khi ăn cơm tại đây vào trưa, chiều ngày 11 và 12/3. Gần đây nhất, vào ngày 3/4 tại Bình Dương, sau khi ăn bánh mì, bánh bao do người dân phát miễn phí, nhiều người trong Đoàn lân sư rồng tại Lễ hội Ông Bổn ở Bình Dương có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, chóng mặt... Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế thành phố Thuận An, các ca bệnh đã ổn định và tiếp tục được theo dõi.

Theo Bộ Y tế, trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 368 người bị ngộ độc. Thời điểm gia tăng các vụ ngộ độc thực phẩm thường từ tháng 4 đến tháng 8.

Một trong những nguyên nhân chính là do thời tiết thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động, thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy hải sản...); ô nhiễm môi trường, thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ; bảo quản thực phẩm chưa đúng cách. Bên cạnh đó, do ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm ATTP của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm; Việc sử dụng, bảo quản các thực phẩm tươi sống, nước giải khát... tại các bếp ăn tập thể chưa được quan tâm đúng mức.

Cụ thể, qua công tác thanh tra, kiểm tra tại một số doanh nghiệp và các trường học, các lỗi vi phạm thường gặp chủ yếu vẫn là điều kiện vệ sinh, không bảo đảm như: Trần, nền xuống cấp, cống hở, ứ đọng rác thải, khu vực bếp sắp xếp lộn xộn, không có hệ thống chống côn trùng gây hại xâm nhập, không có dụng cụ riêng bảo quản thực phẩm sống và chín, thực hiện lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định, người tham gia chế biến thực phẩm thực hiện vệ sinh cá nhân chưa đúng quy định, chưa xuất trình hồ sơ nguồn gốc thực phẩm...

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn phục vụ đông người, luôn tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP. Phần lớn các vụ ngộ độc xảy ra tại bếp ăn tập thể có thể do vi sinh vật như tụ cầu vàng, E.coli, Salmonella. Khi ăn, người bệnh thường có biểu hiện đau bụng, buồn nôn, đi ngoài nhiều lần; thậm chí, một số trường hợp có thể bị đau đầu, hôn mê... Nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể nguy hiểm tới tính mạng. Nếu người chế biến thực phẩm không mang găng tay, để thực phẩm sống và chín gần nhau, dùng chung dao thớt cũng làm tăng nguy cơ gây ngộ độc.

Ngày 4/4 vừa qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND, triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2024; nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, ATTP. Ngoài các hoạt động thường xuyên về bảo đảm ATTP, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc. Cùng với việc thực hiện các văn bản, kế hoạch của Bộ Y tế về việc tăng cường bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm năm 2024, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn; sản xuất, chế biến sản phẩm thực phẩm truyền thống tại các làng nghề. Nhân rộng mô hình nhà hàng, bếp ăn tập thể, cơ sở chế biến suất ăn sẵn bảo đảm ATTP... Các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; chú trọng quy hoạch, mở rộng phát triển vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn; xây dựng, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, chuỗi cửa hàng tiện ích; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về ATTP; đẩy mạnh áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý ATTP; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi thực phẩm không bảo đảm an toàn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm ■