Hệ lụy khôn lường từ thuốc lá điện tử

Thời gian qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử. Điển hình là nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội được đưa vào cấp cứu trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, suy thận, tổn thương não, tổn thương gan.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học ngoại khóa tuyên truyền về phòng chống thuốc lá điện tử tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: ĐOÀN HỮU)
Giờ học ngoại khóa tuyên truyền về phòng chống thuốc lá điện tử tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: ĐOÀN HỮU)

Mới đây, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận một bệnh nhân nam 19 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, sốt, ho khan, mệt mỏi. Bệnh nhân cho biết, thời gian gần đây có sử dụng thuốc lá điện tử. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng ngoài tim và viêm phổi.

Kết quả xét nghiệm các mẫu thuốc lá điện tử mà bệnh nhân bị ngộ độc mang đến trong quá trình cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) từ đầu năm 2023 đến nay đã phát hiện tới 13 mẫu có thành phần ma túy, chất cần sa tổng hợp, trong đó có những loại ma túy thế hệ mới là chất độc.

Mặc dù thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và không được phép nhập khẩu và lưu hành tại Việt Nam, nhưng nhiều người trẻ vẫn vô tư sử dụng chúng. Đáng lo ngại là tình trạng thuốc lá điện tử xâm nhập học đường.

Tháng 3/2023, gần cổng Trường tiểu học Lại Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội), xuất hiện năm đối tượng nữ mời gọi học sinh sử dụng thuốc lá điện tử với lời hứa sẽ tặng cả điếu thuốc lá điện tử và 50.000 đồng, nếu rủ thêm người hút. Một số học sinh đã hút thử. Ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, nhà trường phát thông tin cảnh báo tới toàn trường. Tháng 4/2023, một số học sinh Trường THPT Hà Đông (Hà Nội) phải nhập viện cấp cứu vì liên quan thuốc lá điện tử. Tại Hà Nội, có học sinh chỉ mới 13 tuổi đã sử dụng thuốc lá điện tử được hai năm.

Kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế thực hiện cho thấy, vài năm gần đây, tỷ lệ học sinh sử dụng thuốc lá điện tử tăng gấp nhiều lần so với các năm trước đó. Cụ thể, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, đến năm 2020 đã tăng gấp 18 lần, lên khoảng 3,6%.

Phần lớn học sinh, sinh viên hút thuốc lá điện tử là do được người khác cho thuốc hoặc mua trên internet, thậm chí mua từ chính bạn học. Nhiều em nghĩ rằng thuốc lá điện tử là vô hại, không gây nghiện và không ảnh hưởng đến sức khỏe như thuốc lá điếu.

Cũng theo kết quả điều tra của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, hiện có tới 8% số phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử. Nghiên cứu cho thấy, việc hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi.

Thuốc lá điện tử là loại mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường, hoạt động bằng cách sử dụng thiết bị điện tử có hệ thống pin sạc làm nóng dung dịch lỏng hòa tan, tạo ra dạng khí dung cho người dùng hít vào luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống thuốc lá thật. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch, loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp. Dung dịch này thường chứa nicotine, chất tạo hương và các chất khác.

Theo các chuyên gia y tế, thuốc lá điện tử gây tác hại trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Trong đó, nicotine có thể gây phụ thuộc về mặt tâm thần, làm tăng huyết áp, tăng nguy cơ các bệnh tim mạch; glycerine có thể gây bệnh phổi; các chất dẫn khác, bao gồm: nitrosamine, formaldehyde, acetaldehyde… có khả năng gây ung thư. Ở lứa tuổi vị thành niên, não chưa hoàn thiện, việc sử dụng thuốc lá điện tử dễ dẫn đến vùng não bị tổn thương, làm tăng nguy cơ nghiện thuốc. Ngoài ra, dung dịch trong thuốc lá điện tử có thể được trộn các chất ma túy, tinh dầu cần sa hoặc các chất kích thích khác. Vì thế, sử dụng thuốc lá điện tử là đường vào của các chất gây nghiện khác.

Hiện nay, mặc dù luật pháp không cho phép các sản phẩm thuốc lá điện tử được nhập khẩu, quảng cáo và lưu hành tại Việt Nam, nhưng việc quảng cáo, rao bán, mua và sử dụng vẫn diễn ra công khai. Các nhóm cộng đồng trực tuyến và diễn đàn cũng thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và cách tiếp cận sản phẩm này.

Tại hội thảo về các vấn đề liên quan đến mua bán, sử dụng thuốc lá mới, được Bộ Y tế tổ chức hồi tháng 4/2023, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị An, Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường, đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Chuyên gia y tế cũng khuyến cáo các bậc cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ vị thành niên sử dụng thuốc lá điện tử. Nếu không quyết liệt ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ thì Việt Nam sẽ phải đối mặt với những hệ lụy nặng nề trong tương lai.