Những con số kỷ lục
Theo Phó Cục trưởng Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, năm 2024 trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.340 trận, với 21/22 loại hình thiên tai. Sau những tháng đầu năm hạn hán tại các tỉnh phía nam do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino là bão mạnh, mưa lũ lớn, sạt lở đất, lũ quét trên diện rất rộng tại Bắc Bộ; mưa lũ lớn ở Trung Bộ.
Đặc biệt, bão số 3 (Yagi) là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền. Hoàn lưu bão gây mưa lớn toàn Bắc Bộ và Thanh Hóa, gây lũ lớn, đặc biệt lớn diện rộng. Trong đó, lũ lịch sử đã xuất hiện trên bảy tuyến sông; sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.
Thiên tai năm 2024 đã làm 514 người chết, mất tích, gấp 3,04 lần so với năm 2023 và 2,44 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023; 2.207 người bị thương. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 88.748 tỷ đồng, gấp 9,52 lần so với năm 2023 và 4,19 lần trung bình 10 năm từ 2014-2023. Riêng bão và mưa lũ sau bão đã làm 345 người chết, mất tích, gấp 2 lần thiệt hại về người cả năm 2023.
Ngoài ra, trong năm 2024 cũng xảy ra một số loại hình thiên tai lớn, diện rộng như: 10 cơn bão, một áp thấp nhiệt đới, 233 trận mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất, 266 trận dông lốc, sét, mưa đá, 363 trận sạt lở và hạn hán, xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, 422 trận động đất, 18 đợt gió mạnh trên biển, 17 đợt nắng nóng...
Thực tế cho thấy, thiên tai ngày càng diễn biến bất thường và khó lường. Điển hình do mưa lớn cực đoan đã gây lũ quét, sạt lở đất tại nhiều điểm, gây thiệt hại rất lớn về người, nhất là lũ quét, sạt lở đất sau bão số 3 đã làm 325 người chết, mất tích. Trong đó, có những trận lũ quét, sạt lở đất rất nghiêm trọng, như lũ quét, lũ bùn đá ngày 10/9 tại Làng Nủ (Lào Cai) làm 67 người chết, mất tích; sạt lở đất sáng 9/9 tại xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) làm 31 người chết, mất tích.
Ngoài mưa lớn cực đoan sau bão ở các tỉnh miền núi phía bắc, mưa lũ lớn cũng xảy ra tại các tỉnh miền trung sau bão số 6. Đặc biệt, lũ lớn tại Lệ Thủy (Quảng Bình) đạt 4,14m, trên báo động 3 là 1,44m, lớn thứ hai từ năm 1979 đến nay và chỉ thấp hơn lũ lịch sử năm 2020, gây ngập lụt diện rộng và làm tám người chết.
Dấu ấn trong công tác phòng, chống thiên tai
Trong bối cảnh bộ máy phòng chống thiên tai có nhiều thay đổi, công tác phòng, chống thiên tai gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ với nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài đã góp phần giảm thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ứng phó bão số 3, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo từ sớm, từ xa; tổ chức nhiều cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương, ban hành các công điện để chỉ đạo sát với diễn biến tình hình; trực tiếp đi kiểm tra và phân công tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp đến địa bàn trọng điểm kiểm tra, chỉ đạo phòng, chống bão, lũ.
Đồng thời, Chính phủ đã xuất cấp hơn 1.052 tấn gạo, 300,09 tấn giống cây trồng; 430 tỷ đồng và nhiều trang thiết bị cứu hộ cứu nạn, y tế, nhu yếu phẩm khác kịp thời hỗ trợ các địa phương cứu trợ người dân. Mặt trận Tổ quốc, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã vận động, tiếp nhận ủng hộ tiền và hiện vật trị giá hơn 1.760 tỷ đồng. Các tổ chức quốc tế và các nước cứu trợ tiền và hàng trị giá hơn 22 triệu USD. Nhiều địa phương trong cả nước, nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương và người dân bị thiên tai vượt qua khó khăn.
Có thể nói, đối phó thiên tai năm 2024, lực lượng phòng, chống thiên tai đã phải đối mặt các tình huống khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Căng thẳng nhất là những ngày từ 9 đến 11/9 khi liên tục các thông tin về sự thiệt hại, mất mát lớn về người do lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái do bão số 3 gây ra.
Từ công tác phòng, chống thiên tai năm 2024, nhất là bão số 3, đã để lại những bài học lớn về tổ chức, chỉ đạo phối hợp liên ngành phòng, chống thiên tai liên quan hạ tầng, nhân lực… Đồng thời, nhiệm vụ lâu dài cần rà soát, điều chỉnh chính sách, quy hoạch, kế hoạch, lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội để xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, dự báo mưa lũ, lũ quét và sạt lở đất là việc khó không chỉ ở Việt Nam mà cả các nước trên thế giới. Ngành khí tượng-thủy văn đã và đang tăng cường hợp tác quốc tế, sử dụng các công nghệ hiện đại để thực hiện việc dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra trong thời gian từ 6 giờ, 12 giờ... tại các huyện, xã trên phạm vi cả nước, người dân cần căn cứ vào các dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn để có những biện pháp ứng phó kịp thời.
Thiên tai luôn bất ngờ và chắc chắn sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, để luôn sẵn sàng ứng phó thiên tai; không ngừng nỗ lực xây dựng cộng đồng an toàn, bền vững trước thiên tai.