Không có đường đi lại, người dân phải dùng xuồng bơi qua sông, bất chấp nguy hiểm những khi mưa to, gió lớn, lúc trời tối.
Ước mơ một con đường rải đá
Tuyến đường bờ bắc kênh Đồng Tiến được làm từ năm 2010, có chiều dài 3.600m. Đây là đường đê bao, mục đích chính là bảo vệ cánh đồng lúa trên địa bàn ấp. Hiện nay, trên tuyến đường có 33 hộ dân sinh sống. Điểm đầu và điểm cuối giáp với tuyến đường này đã được lót nhựa.
Từ thông tin phản ánh của nhiều người dân, phóng viên Báo Nhân Dân đã đi bộ dọc tuyến đường đê bao này. Trên tuyến đường có nhà cửa thưa thớt. Có một số căn nhà đã được di dời, còn để trơ lại nền nhà.
Dù tuyến đường có chiều rộng hơn 3m, nhưng điều đáng tiếc là tuyến đường không bằng phẳng, có những đoạn trũng thấp và có nhiều đoạn cây nằm chắn ngang đường, hoặc cây mọc giữa đường. Chính điều này mà xe đạp, xe gắn máy đều hoàn toàn không thể đi lại được.
Không có đường, người dân phải bơi xuồng qua sông. |
Chỉ tay về phía những mảnh đất còn trơ lại nền nhà, anh Phạm Ngọc Quý có nhà dọc trên tuyến đường cho biết: “Những nền nhà này trước đây có nhà, nhưng do chờ hoài không thấy làm đường, bà con ngao ngán, bỏ cuộc sống ở đây, đi qua sông kiếm chỗ cất nhà ở tạm để tiện đưa đón các bé đi học”.
Tuyến đường có chiều ngang thậm chí rộng hơn nhiều tuyến đường nông thôn khác ở Đồng Tháp, nhưng do “chưa thành một con đường” nên xe 2 bánh không đi lại được.
Chính vì điều này mà mỗi khi đưa con em đi học, đi mua sắm, sinh hoạt… người dân phải dùng xuồng bơi qua sông rộng hơn 50m. Sau đó, lấy xe máy gửi nhà dân bên kia sông để đi lại.
Người dân phải bơi xuồng qua để lấy xe máy gửi bên kia sông đi mua sắm. |
Ông Lâm Văn Hưởng, 63 tuổi cho biết, ông cảm thấy bất an mỗi khi có người thân đi xuồng qua lại. Việc lên xuống bến sông rất khó khăn, nhiều lúc té ướt tập sách, quần áo khiến cháu ông phải đi học trễ giờ.
“Hằng ngày cháu tôi đi học phải đi bằng xuồng qua sông. Có những hôm qua sông rước cháu, đi chợ rồi đến chiều tối mới về. Mỗi khi bơi xuồng có ghe lớn chạy ngang qua tạo sóng lớn, rồi mưa gió cũng sợ bị chìm xuồng. Tôi mong sao sớm có được con đường để đi thuận tiện bằng xe 2 bánh”, ông Lâm Văn Hưởng nói trong thấp thỏm lo lắng.
Dân vận khéo trong làm đường giao thông nông thôn
Chính vì xe 2 bánh chưa đi được trên tuyến đường này, nên mọi di chuyển vật tư nông nghiệp, việc xây dựng, sửa chữa nhà ở… đều "đội" chi phí lên rất cao. Ông Bùi Văn Trò, sinh năm 1960 cho biết, nhà ông ở đây được 48 năm, không có ngày nào mà gia đình ông không mơ ước có được con đường để đi lại bằng xe máy, thậm chí là xe đạp.
Người dân cho biết, cây bạch đàn này từng được đánh dấu sơn màu đỏ làm đường, đến nay cây đã cao to, mà đường thì không biết khi nào mới làm. |
“Gia đình có 5ha chuyên trồng lúa, nếu có đường, tôi khỏi thuê ghe chở phân, thuốc, lúa giống… không cần thuê người vác lên xuống sông sẽ đỡ chi phí hơn rất nhiều.
Gia đình tôi trải qua 3 đời người nhưng không thấy có mặt lộ đường rải đá trước nhà ra sao. Chính vì không có lộ nên đến nay gia đình tôi và những người xung quanh không có nước sạch để sử dụng”, ông Bùi Văn Trò bộc bạch.
Sự khao khát mừng vui có được một tuyến đường đôi lúc được lóe lên hy vọng khi cách đây 7 năm, ngành chức năng huyện Tháp Mười có vài lần vào đo đạc để làm đường với dự kiến tuyến đường này có chiều ngang 4m, nhưng đến nay vẫn chưa làm, vì địa phương cho biết huyện thiếu kinh phí.
Thiếu kinh phí làm đường
Người dân nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Ủy ban nhân dân xã Hưng Thạnh với mong muốn có được con đường đi lại, mơ ước chỉ cần làm đường rải đá cho xe 2 bánh đi, và mong muốn đóng góp kinh phí cùng với xã để làm đường, nhưng đến nay địa phương cho biết là xã không có kinh phí. Vậy là tuyến đường dài gần 4km này vẫn còn là nỗi ước mơ của người dân.
Theo Ủy ban nhân dân xã Hưng Thạnh, năm 2018, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tháp Mười và đơn vị liên quan có cử cán bộ đi khảo sát thiết kế con đường, tuy nhiên, huyện cho biết chưa có kinh phí. Xã cũng để xuất huyện thực hiện nạo vét kênh để đắp đường bằng phẳng, rải đá cho dân đi lại, nhưng không biết khi nào thực hiện.
Thông tin với phóng viên về nguyên nhân tuyến đường lại chưa thành “con đường”, lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Hưng Thạnh cho biết, hiện nay trên điểm đầu của đoạn đường này, có một nhà máy cũ bỏ hoang nằm chắn giữa đường, cần giải tỏa, nhưng chủ nhà máy đi làm ăn xa, 2 năm nay xã mời về làm việc nhưng hộ dân này không về địa phương.
Tuyến đường có đoạn thưa thớt nhà dân. |
Nếu nhà máy này giải tỏa được, thì tuyến đường này trước mắt sẽ khai thông được 300m đường để làm một đoạn đường đá cho vài hộ dân đi lại. Còn điểm cuối đoạn đường giáp với xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười (đường nhựa), Ủy ban nhân dân xã đã vận động người dân tự bỏ tiền ra mua đá lót đường đi tạm qua xã Thạnh Lợi với chiều ngang 3m, chiều dài 800m.
Theo đó, thay vì một số hộ giáp với xã Thạnh Lợi trước đây phải bơi xuồng qua sông, thì nay một số hộ dân này được đi tạm qua xã Thạnh Lợi, rồi vòng về xã nhà để đưa con đi học, sinh hoạt.
“Như vậy, 2.800m đường còn lại, xã sẽ mời dân họp, nếu hầu hết dân đồng ý để góp tiền làm đường thì sẽ làm đường rải đá để dân có thể đi lại được bằng xe 2 bánh. Bên cạnh đó, năm 2024, địa phương cũng đã đăng ký xin hỗ trợ tuyến đường 2.800m này từ chương trình của Đề án Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hưng Thạnh Lê Văn Tài cho biết.
Ông Lê Văn Tài cũng cho biết, khi mà chương trình được phê duyệt cấp kinh phí làm đường, địa phương sẽ cho tôn cao đê bao, mở rộng, làm bằng phẳng mặt đường và rải đá cho dân đi lại bằng xe máy.
Trong thời gian chờ đợi nguồn hỗ trợ từ chương trình này, Ủy ban nhân dân xã sẽ khảo sát và phá tạm một bức tường của nhà máy bỏ hoang để đắp đất tạo thông tuyến đường 300m cho một số hộ dân có nhà gần kênh Sư Phạm tiện đi lại. Vì chỉ cần vách tường nhà máy được tháo dỡ, thì một số hộ dân có thể chạy xe máy lên cầu bắc qua kênh Sư Phạm, để không cần qua sông cách trở.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân xã Hưng Thạnh cho rằng, công trình đường đê bao này có nhà dân rất ít, vì vậy nên xã không đưa tuyến đường vào quy hoạch của chương trình xây dựng nông thôn mới. Nếu như mà nhà dân không quá thưa thớt, thì xã đưa vào thực hiện lộ nhựa, chứ không chỉ sẽ làm lộ đá.
Cách đây 7 năm, từ khi nghe nói sẽ làm đường, người dân trồng hàng rào cây xanh trước nhà để cho đường làng ngõ xóm thêm đẹp. |
“Năm 2021, xã có vận động hộ dân làm tuyến đường này theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, dùng tiền kinh phí địa phương 50% và người dân đóng góp 50% số tiền để làm đường.
Qua đó, một số đoạn có nhà dân thì hộ dân chịu hùn tiền, còn một số đoạn đường không có nhà nhưng có diện tích đất canh tác lúa thì chủ đất ruộng không chịu hùn tiền. Đó cũng là một trong những nguyên nhân đến nay tuyến đường này chưa làm được”, ông Lê Văn Tài cho biết.
Được biết, xã Hưng Thạnh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019. Xã đang phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Suốt 5 năm trôi qua, kể từ khi xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, người dân không ngừng hy vọng sẽ có một tuyến đường rải đá đi lại, để không còn chịu cảnh qua sông phải “lụy xuồng”.