Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam đã tham gia vào các công ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm toàn cầu, về biến đổi khí hậu, về bảo vệ môi trường... Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách phục vụ cho chuyển đổi xanh. Các quyết định, thông tư được đưa ra nhằm hướng đến mục tiêu Việt Nam Net to Zero carbon vào năm 2050 và xu hướng kinh tế ESG (môi trường - xã hội - quản trị).
Đề cập đến vấn đề “Chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững”, ông Phạm Hoài Trung, Trưởng ban Vận động Net to Zero 2050 ứng phó biến đổi khí hậu cho rằng, trụ cột và nền móng ESG là một yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư và chọn lựa đối tác kinh doanh. Trước tiên phải chuyển đổi trong tất cả các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, sản xuất, sản phẩm, tiêu dùng, thương mại, doanh nghiệp, công nghệ, vận tải, năng lượng… sang chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện trưởng Viện Công nghiệp Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, năm giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gồm: đưa ra các định hướng, giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục đầu tư phát triển nguồn vốn con người qua việc cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng; thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để bảo đảm vừa phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.
Quang cảnh buổi hội thảo. |
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi kép bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành một yếu tố quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả và sự linh hoạt trong quản lý sản xuất mà còn giúp tối ưu hóa tài nguyên và giảm thiểu lãng phí. Song song đó, chuyển đổi xanh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng.
Ông Phí Anh Tuấn, Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số Thành phố Hồ Chí Minh nêu lên các vấn đề liên quan đến sản xuất xanh và các thách thức của doanh nghiệp gặp phải khi chuyển sang sản xuất xanh. Các giải pháp kiểm soát giúp tăng hiệu quả trong sản xuất xanh; tăng cường khai thác hiệu quả quản trị doanh nghiệp; tập trung đáp ứng các chỉ tiêu trong lộ trình ESG, cũng như giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất…
Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số xu hướng chuyển đổi xanh, ông Trần Hữu Dũng, Giám đốc Công ty QTSC cho biết, QTSC luôn định vị là khu đô thị xanh - thông minh sẽ cam kết thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi kép thông qua việc tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường và xã hội. Điều này bao gồm việc đầu tư vào công nghệ xanh, xây dựng hạ tầng đô thị xanh, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, thúc đẩy vận động giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hợp tác, giao tiếp, chia sẻ thông tin và kinh nghiệm với cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức khác.
Cũng theo ông Trần Hữu Dũng, với việc tập trung vào các giải pháp công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: Quản trị thông minh, môi trường thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, an ninh công cộng và hệ sinh thái dữ liệu mở… QTSC cũng sẽ tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lượng chất thải và tác động đến môi trường, giúp tăng cường sức hấp dẫn của khu, thu hút đầu tư và tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất cho các doanh nghiệp.