Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện 94/CÐ-TTg ngày 12/9/2024 về tăng cường công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện ở các tỉnh phía bắc nhằm bảo đảm an toàn các hệ thống đê và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do ngập, lụt tại vùng hạ du.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội được hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn khi nước dâng cao. (Ảnh THẾ ÐẠI)
Người dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội được hỗ trợ di chuyển đến nơi an toàn khi nước dâng cao. (Ảnh THẾ ÐẠI)

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng các bộ: Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Chủ tịch UBND các tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Ðiện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Ninh Bình chỉ đạo các chủ sở hữu, đơn vị quản lý vận hành hồ chứa thủy điện; thực hiện quan trắc, thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình, diễn biến mưa, lũ trên lưu vực; tập trung vận hành điều tiết hồ chứa (nhất là đối với hệ thống hồ chứa thủy điện trên sông Ðà, trong đó có hồ chứa thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình) một cách chủ động, khoa học, linh hoạt để cắt, giảm, làm chậm lũ về hạ du (trong đó có lũ trên sông Hoàng Long tại Ninh Bình); đồng thời bảo đảm an toàn cho công trình và tuân thủ nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa.

Thủ tướng yêu cầu, trong quá trình vận hành thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, thông tin kịp thời đến các cơ quan chức năng; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khu vực hạ du đập, các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm việc thông báo, cảnh báo đến người dân vùng hạ du về diễn biến lũ, việc vận hành điều tiết lũ để người dân biết chủ động phòng, tránh bảo đảm an toàn.

Thủ tướng cũng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện này. Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này; kịp thời báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng phụ trách những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Sáng 12/9, đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiểm tra tại thực địa vùng lũ Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất do ảnh hưởng của mưa lũ tại Lào Cai.

Thay mặt lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú gửi lời thăm hỏi, động viên tỉnh Lào Cai cũng như người dân bị thiệt hại bởi mưa lũ; đánh giá cao nỗ lực của tỉnh trong công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ðồng chí đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung cao độ để khắc phục, tìm kiếm người mất tích và chăm sóc người bị thương, bảo đảm hậu cần và các điều kiện cần thiết cho lực lượng cứu hộ. Nhân dịp này đồng chí Trần Cẩm Tú đã trao nhiều phần quà, và số tiền gần ba tỷ đồng của các cơ quan, đơn vị ủng hộ người dân vùng lũ.

Chiều 12/9, đồng chí Lê Minh Hưng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Ðảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương kiểm tra công tác phòng, chống lũ lụt tại tỉnh Hà Nam.

Ðồng chí Lê Minh Hưng đề nghị tỉnh Hà Nam tiếp tục gia cố các điểm xung yếu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân; bám sát tình hình mưa lũ, thực hiện tốt các giải pháp di dời dân đến vùng an toàn, có biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ; làm tốt công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh tại những khu vực bị ngập.

Tính đến chiều 12/9, toàn tỉnh Hà Nam đã di dời hơn 2.300 hộ dân đến nơi an toàn; di dời khoảng 227.700 con gia súc, gia cầm và khoảng hơn 4.200 vật dụng, tài sản của nhân dân; thực hiện chống tràn khoảng 3,8 km đê, kè và 1,7 km bờ bao khu công nghiệp Châu Sơn.

Sáng 12/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại thị xã Duy Tiên, Hà Nam.

Tại các điểm kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung ứng phó mưa lũ, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm an toàn công trình đê điều.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Hà Nam chỉ đạo các địa phương tiếp tục gia cố các điểm xung yếu; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, làm tốt công tác phòng ngừa không để xảy ra sự cố nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Thường xuyên bám sát tình hình mưa lũ, kiên quyết di dời người dân ở các khu vực ngập lụt nghiêm trọng đến vùng an toàn; có biện pháp hỗ trợ dân khắc phục hậu quả của mưa lũ; căn cứ tình hình chỉ đạo các trường cho học sinh vùng ngập sâu nghỉ học đến khi nước rút; bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh và người già.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác phòng, chống lũ tại Hưng Yên.

Qua thị sát tình hình mưa lũ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, tỉnh Hưng Yên đã chủ động bám sát tình hình mưa lũ, thực hiện tốt các giải pháp di dời nhân dân các vùng lũ đến nơi an toàn. Tỉnh cần tập trung công tác dọn vệ sinh, phòng chống dịch bệnh, tích cực hỗ trợ bà con khôi phục sản xuất, bảo đảm đời sống cho nhân dân.

Chiều 12/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà kiểm tra, nắm tình hình mưa lũ, thăm hỏi, động viên nhân dân và chỉ đạo khắc phục thiên tai tại tỉnh Nam Ðịnh.

Sau khi thị sát tại một số địa bàn xung yếu, bị ảnh hưởng bởi mưa lũ của tỉnh Nam Ðịnh; nghe lãnh đạo địa phương báo cáo tình hình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, sau khi lũ rút còn nhiều vấn đề cần quan tâm, nhiều việc phải làm, Nam Ðịnh cần tiếp tục phát huy "bốn tại chỗ", huy động các lực lượng, nhất là lực lượng quân đội, công an để tiếp tục hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Về sản xuất và đời sống dân sinh, Phó Thủ tướng cho rằng, chính quyền, ngành nông nghiệp tỉnh Nam Ðịnh cần có hướng dẫn nhân dân có cách thức lựa chọn sản phẩm, nguồn giống để từ nay đến Tết Nguyên đán người dân vùng chịu ảnh hưởng của lũ lụt có sản phẩm tiêu dùng, bán ra thị trường, có thu nhập trang trải cuộc sống.

Sáng 12/9, Ðoàn công tác của Ban Bí thư Trung ương Ðảng do Thượng tướng Trịnh Văn Quyết, Bí thư Trung ương Ðảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam kiểm tra công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai tại Hà Giang.

Ngay khi đến Hà Giang, đoàn đi kiểm tra thực tế, tặng quà người dân xã Ðồng Yên, huyện Bắc Quang và xã Yên Thành, huyện Quang Bình.

Tại buổi làm việc với tỉnh Hà Giang, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết đề nghị tỉnh cần quan tâm, thực hiện ngay một số nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm và chỗ ở cho những gia đình bị mất nhà do mưa lũ, không để người dân không có chỗ ở và thiếu đói; rà soát để di dời những hộ dân có nhà nằm trong vùng nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn tại các khu tái định cư. Huy động nguồn lực và các lực lượng hỗ trợ nhân dân di dời đến nơi ở mới. Sau mưa lũ, sạt lở đất, các địa phương trong tỉnh cần quan tâm đến việc đưa học sinh đến trường; chú ý công tác vệ sinh môi trường; công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến 17 giờ ngày 12/9, bão số 3 và mưa, lũ do hoàn lưu bão đã làm 226 người chết, 104 người mất tích. Riêng tỉnh Lào Cai có 98 người chết, 81 người mất tích.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn quốc gia, lũ trên các sông ở Bắc Bộ đang có dấu hiệu giảm. Hôm nay (13/9), lũ trên sông Thao tại Yên Bái tiếp tục xuống dưới mức báo động 1; sông Lô tại Tuyên Quang và Vụ Quang sẽ xuống mức báo động 1; sông Cầu sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; sông Thương sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; sông Lục Nam sẽ xuống chậm nhưng vẫn trên mức báo động 3; sông Thái Bình sẽ biến đổi chậm ở trên mức báo động 3; sông Hoàng Long sẽ xuống chậm ở trên mức báo động 3; sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống chậm dưới mức báo động 2.

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 12/9, tại Tỉnh lộ 166, đoạn qua xã Châu Quế Hạ, huyện Văn Yên (Yên Bái) xảy ra vụ sạt lở đất, khiến 3 người chết và 1 người mất tích.

Ủy ban nhân dân xã Châu Quế Hạ cho biết, tại thời điểm nêu trên, có 4 người di chuyển trên Tỉnh lộ 166 thì bất ngờ bị đất đá sạt lở xuống khiến người và phương tiện bị vùi lấp. Ngay khi nhận được thông tin, chính quyền địa phương đã huy động gần 100 người có mặt tại hiện trường, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Ðến khoảng 11 giờ cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 3 nạn nhân tử vong.

Chính quyền xã đang tích cực chỉ đạo lực lượng tìm kiếm trường hợp mất tích còn lại. Trước đó, vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 12/9, tại Km 305, Quốc lộ 37, địa phận thôn Yên Phú, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cũng xảy ra vụ sạt lở đất. Khoảng 6.000-7.000 m3 đất đồi sau nhà dân sạt xuống làm 2 người chết, 4 người bị thương, sập hoàn toàn 1 ngôi nhà, hư hỏng 2 ngôi nhà.

Chiều 12/9, Ủy ban nhân dân huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn cho biết, lực lượng chức năng địa phương đã hỗ trợ di chuyển 14 hộ dân với 39 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sụt, trượt, sạt lở ở thị trấn Na Dương đến nơi an toàn.

Từ ngày 8/9, tại Km 33, Quốc lộ 4B (thuộc khu dân cư 8+10, thị trấn Na Dương) đã hình thành cung trượt có cạnh đáy dài khoảng 150m, đỉnh cung trượt dài khoảng 41m, chiều dài từ chân đến đỉnh cung trượt khoảng 100m. Ðến ngày 12/9, cung trượt tiếp tục trượt xuống so với vị trí ban đầu khoảng 2m, khối trượt có nguy cơ tiếp tục dịch chuyển, trượt xuống, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho 14 hộ dân chung quanh khu vực.

Ngày 12/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công điện số 6779/CÐ-BNN-ÐÐ về việc đóng tiếp 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Tuyên Quang vào hồi 14 giờ ngày 12/9.

Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp và Phát triển đã có văn bản gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về việc bảo đảm an toàn hạ du khi vận hành hồ chứa thủy điện Tuyên Quang. Sau khi đóng 1 cửa xả đáy trên, thủy điện Tuyên Quang còn mở 2 cửa xả đáy.

Lúc 15 giờ ngày 12/9, chuyến bay VN250 của hãng Vietnam Airlines đã chuyên chở 10 tấn hàng cứu trợ thiết yếu thông qua Hội chữ thập đỏ quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) đến Hà Nội để chuyển tiếp đến các vùng bão lũ ngay trong chiều cùng ngày. Sau 2 ngày, Vietnam Airlines đã vận chuyển cấp tốc gần 30 tấn hàng từ các sân bay miền trung, miền nam ra bắc và vẫn tiếp tục tiếp nhận, vận chuyển cho đến khi việc khắc phục kết thúc.

Ðoàn Thanh niên của hãng cũng phối hợp với các đơn vị quyên góp, hỗ trợ đồng bào vùng lũ gần 500 triệu đồng mua nhu yếu phẩm, thiết bị cứu nạn gửi về các địa phương. Sáng 12/9, các tỉnh, thành phố vùng lũ đã tiếp nhận và chuyển đến tận tay người dân.

Hãng hàng không Bamboo Airways cũng vận chuyển 2,2 tấn hàng hóa cứu trợ đồng bào vùng lũ trên các chuyến bay trong 2 ngày 11 và 12/9 để chuyển tiếp đến đồng bào vùng lũ. Chương trình tiếp nhận, vận chuyển hàng cứu trợ miễn phí của hãng kéo dài đến ngày 26/9/2024.

Hãng hàng không Vietjet quyết định miễn cước vận chuyển đối với hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến với đồng bào vùng bão lũ đến ngày 20/9; trích mỗi vé máy bay 5.000 đồng (dự kiến sẽ đạt 5 tỷ đồng) và tổ chức quyên góp trong cán bộ, nhân viên ủng hộ đồng bào. Trước mắt, hãng trích 2 tỷ đồng mua nhu yếu phẩm giúp bà con.