Giá cua ở Kiên Giang tăng cao

NDO - Từ đầu năm 2023 đến nay, giá bán các loại cua trên địa bàn tỉnh Kiên Giang luôn tăng cao. Nguyên nhân được cho là bước vào thời điểm nghịch mùa, cua được bắt vét tại các ao, vuông số lượng ít, trong khi sức tiêu thụ tăng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Thương lái thu mua cua của nông dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.
Thương lái thu mua cua của nông dân huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

Anh Trần Hữu Duyên, một thương lái thu mua cua ở xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, giá thu mua cua tại Kiên Giang luôn giữ ở mức cao. Hiện, giá cua gạch tại vuông từ 700.000-750.000 đồng/kg; cua thịt (cua y) giá từ 400.000 đồng/kg trở lên; cua tứ (loại 4 con/kg) có giá 280.000 đồng/kg trở lên.

“Thời điểm này, mỗi ngày tôi chạy nhiều nơi trên địa bàn xã Vĩnh Phong nhưng chỉ thu mua được khoảng 10kg, bằng 1/6 so với trước đây. Hiện, cua khan hiếm, nông dân đặt vét ở vuông tôm, số lượng rất ít. Tôi thu mua về được bao nhiêu là các thương lái lớn đến cân và mang về các thành phố lớn tiêu thụ hết”, anh Duyên cho biết.

Ông Lê Minh Thống, nông dân nuôi cua ở ấp Cạnh Đền, xã Vĩnh Phong cho biết, giá thương lái thu mua cua tăng từng ngày vì nhu cầu thị trường trong nước tăng mạnh. “Tôi nghe nói cua được xuất qua Trung Quốc và một số nước cho nên có giá cao. Có ngày, 1kg cua gạch bán tại vuông lên tới 700.000-800.000 đồng. Nếu tiếp tục duy trì được giá bán này vài năm nữa bà con nông dân nuôi cua ở đây sẽ trở nên khá, giàu”, ông Thống phấn khởi cho biết thêm.

Theo nhiều nông dân xã Vĩnh Phong, cùng thời điểm này năm 2022, giá cua gạch tại vuông chỉ khoảng 300.000-350.000 đồng/kg; cua thịt tầm 200.000 đồng/kg.

Ông Lê Thế Sua, Giám đốc Hợp tác xã Thuận Phát, xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang cho biết, trước đây, mô hình chủ yếu của hợp tác xã này là luân canh tôm-lúa. Vài năm nay, thấy nhu cầu tiêu thụ cua tăng cao, 24 xã viên trong hợp tác xã đã thống nhất chuyển sang luân canh tôm-cua-lúa kết hợp để tăng cao lợi nhuận trên cùng một đơn vị diện tích.

Là thành viên hợp tác xã Thuận Phát, anh Trần Văn Nguyên có 2ha đất tham gia mô hình, cho biết, năm nay nhờ xử lý môi trường nước tốt, nuôi đạt hiệu quả, đến nay đã bắt tôm, cua được hơn 1 tấn, bán được hơn 160 triệu đồng. Hiện, dưới vuông nuôi của anh vẫn còn một ít cua, tôm, khả năng thu hoạch dứt điểm sẽ đạt tổng doanh thu khoảng 300 triệu đồng.

Ông Võ Văn Lưỡng, Giám đốc Hợp tác xã tôm-lúa ấp Yên Lợi, xã Nam Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết, 33 thành viên trong tổ hợp tác giờ đã chuyển 64ha trồng 2 vụ lúa/năm kém hiệu quả sang nuôi tôm, cua và 1 vụ lúa kết hợp mang lại hiệu quả; trung bình lợi nhuận từ 100 triệu đồng/ha.

“Gia đình tôi có hơn 2ha đã chuyển đổi sang lúa-tôm và cua kết hợp, trung bình thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Từ đầu năm 2023 đến nay, thương lái vào mua cua với giá gần gấp đôi năm rồi và luôn duy trì ở mức cao, nên khả năng năm nay thu nhập gia đình sẽ cao hơn”, ông Lưỡng nói.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2023, diện tích nuôi cua biển của tỉnh đạt khoảng 50.000ha, tăng 2.300ha so với năm 2022. Hiện, cua được nông dân thả nuôi xen với tôm, lúa. Thời gian qua, giá bán cua thương phẩm tăng theo từng năm.