Ðổi thay vùng Miệt Thứ
Huyện An Minh cùng với huyện An Biên thuộc vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang, nơi người dân còn quen gọi là Miệt Thứ. Hơn mười năm trước, An Minh vẫn còn là một huyện xa xôi, cách trở và nghèo khó. Cả một vùng đất rộng lớn giáp Vịnh Thái-lan và dọc sông Cái Lớn, người và hàng hóa di chuyển chính bằng phương tiện thủy. Người dân lam lũ sống bám vào mảnh ruộng, miếng vườn. Ðất chua vì phèn, mặn bởi nước biển, chỉ một phần trồng được lúa mà năng suất rất thấp. Phần trồng tràm, thời gian cây của rừng U Minh rớt giá, bán không người mua. Vùng rộng lớn giáp biển hoang hóa bởi xâm nhập mặn, người dân phải xa đất lên thành thị làm thuê kiếm sống. Bước chuyển của An Minh và Miệt Thứ chỉ bắt đầu lúc mô hình nuôi một vụ tôm, trồng một vụ lúa (tôm-lúa) được người dân áp dụng. Dù đây là một mô hình sản xuất mới, nhưng Tỉnh ủy Kiên Giang xác định là bước đột phá để Miệt Thứ và cả vùng U Minh Thượng vượt khó, đi lên. Chính sách nhất quán, chính quyền địa phương và cơ sở triển khai, thực hiện và ngay ở những mùa vụ đầu đã khẳng định hướng chuyển dịch đúng đắn. Những năm 2002-2005, rất nhiều hộ dân ở miệt Vân Khánh, Thuận Hòa, Nam Thái... giàu lên từ con tôm. Nhiều nông dân trở thành tỷ phú chỉ sau vài vụ. Nhà đúc, nhà lầu khang trang đua nhau mọc lên.
Năm 2013, tổng diện tích nuôi tôm ở An Minh gần 41 nghìn ha, trong đó tôm-lúa 37.539 ha, năng suất tôm ước đạt 330 kg/ha, tổng sản lượng khoảng 12 nghìn tấn; năng suất lúa gần bốn tấn/ha, sản lượng gần 125 nghìn tấn/năm. Năm nay, tiếp tục là một năm bội thu của nông dân Miệt Thứ khi giá tôm đang ở mức khá cao, khoảng từ 150 nghìn đến 210 nghìn đồng/kg.
Miệt Thứ nay không còn xa xôi, cách trở và nghèo khó. Cầu treo Thứ Ba, Thứ Tám, Thứ Mười Một... đã nối hai bờ xáng Xẻo Rô kết vùng "chợ" và "biển". Cầu Cái Lớn-Cái Bé bắt ngang hai con sông Cái Lớn, Cái Bé, nối đôi bờ Tắc Cậu, Xẻo Rô đang gấp rút hoàn thành, cảnh cách trở đò giang sẽ không còn sau Tết Nguyên đán năm nay. Những con lộ giao thông nông thôn song song các rạch, kênh, xẻo được mở rộng, cứng hóa, xe ô-tô về trung tâm xã, xe gắn máy đến tận ấp và hầu hết các địa bàn dân cư. Trường học, trạm y tế, trung tâm cấp nước được xây dựng khang trang từ phong trào xã hội hóa. Nông dân bám đất định cư theo những con kênh, tuyến lộ, hình thành nên nét văn hóa riêng của vùng Miệt Thứ. Cửa hàng, cửa hiệu, doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập. Cảng cá Xẻo Nhàu là một trong những cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá lớn của tỉnh. Chợ Thứ Mười Một nay là địa điểm mua bán, kinh doanh sầm uất nhất vùng.
Tích cực thâm canh, tăng vụ
Ðịnh hướng phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi đã đưa Kiên Giang nhiều năm liền lên vị trí dẫn đầu cả nước về sản lượng lương thực với hơn 4,3 triệu tấn/năm, trong đó có nhiều "huyện lúa" có sản lượng từ 500 nghìn đến cả triệu tấn/năm như: Hòn Ðất, Giồng Riềng, Tân Hiệp. Kiên Giang cũng là tỉnh có đội tàu đánh cá và sản lượng đánh bắt lớn nhất cả nước, với hơn 12 nghìn tàu và sản lượng khoảng 420 nghìn tấn/năm. Hiện tỉnh đang mở rộng quy mô nuôi tôm công nghiệp với khoảng 15 nghìn ha tại vùng hoang hóa Tứ giác Long Xuyên; đầu tư chuyển, thay đổi tàu nhỏ, máy nhỏ sang tàu lớn, máy lớn để vươn khơi đánh bắt. Vừa qua, tám tàu cá của ngư dân Kiên Giang đã sang In-đô-nê-xi-a theo hợp đồng đánh bắt cá với nước sở tại.
Nông nghiệp Kiên Giang phát triển đã sản sinh ra những "ông vua" như: "Vua khoai lang" Ba Hạo ở xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Ðất. Sản xuất ở một vùng đất xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn nhưng Ba Hạo vẫn quảng bá sản phẩm của mình ra thế giới từ công nghệ thông tin in-tơ-nét. Mỗi năm Ba Hạo xuất vài trăm tấn khoai lang ra nước ngoài, giúp cho hàng trăm nông dân vùng đất này thoát nghèo làm giàu. Hay "vua lúa giống" Nguyễn Văn Tính ở xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Ðất đã lai tạo ra nhiều giống lúa HÐ như HÐ1, HÐ12, HÐ10, HÐ9... được đông đảo nông dân vùng Tây Nam Bộ ưa chuộng bởi đặc tính ngắn ngày, ngon cơm và khả năng chống chịu sâu bệnh, bệnh vàng lùn rất cao, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 1.000 tấn giống. Nhiều nông dân chỉ từ suy nghĩ rất đời thường mà trở thành những "kỹ sư" sáng chế ra nhiều máy móc phục vụ sản xuất được công nhận là những nhà sáng tạo. Nông dân Lâm Văn Mười, ngụ xã Nam Thái Sơn, huyện Hòn Ðất, người chế tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu, tâm sự: "Trong sản xuất nông nghiệp, nông dân phun xịt thuốc cho cây trồng bằng bình xịt thủ công, chi phí cao, nhưng hiệu quả thấp, lại nặng nhọc mà còn ảnh hưởng sức khỏe... nên tôi nghĩ phải làm gì để thay đổi thói quen đó. Nghĩ vậy, tôi bắt tay vào tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo thành công máy phun thuốc trừ sâu của riêng mình. Máy đạt năng suất 10 ha/ngày, giúp nông dân chuyển đổi từ lao động thủ công, sang sử dụng máy móc, hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều và giải quyết được các vấn đề lo ngại về sức khỏe, môi trường. Hiện tại, tôi xuất xưởng khoảng 100 máy/năm bán theo đơn đặt hàng của người dân
Những ngôi làng mới
Vai trò của nông dân đã thể hiện sinh động qua tất cả các phong trào hành động cách mạng, đặc biệt là trong chủ trương xây dựng nông thôn mới. Ði đầu trong huy động sức dân phải kể đến huyện cửa ngõ Tân Hiệp, được Kiên Giang chọn xây dựng "huyện nông thôn mới" giai đoạn 2011 - 2015. Qua hơn hai năm triển khai thực hiện, nhân dân Tân Hiệp đã đóng góp hơn 600 tỷ đồng, bình quân 20 triệu đồng/hộ. Ðể người dân hăng hái đóng góp tiền của, công sức, Tân Hiệp đã dùng nhiều cách tuyên truyền, vận động để người dân hiểu xây dựng nông thôn mới thực ra là xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân mình và làm thay đổi bộ mặt nông thôn nơi mình và gia đình sinh sống. Ðồng chí Hà Văn Dũng, Bí thư Ðảng ủy xã Tân Hiệp A (huyện Tân Hiệp), xã đầu tiên đã cơ bản hoàn thành 19 tiêu chí xã nông thôn mới chia sẻ: "Ngay sau buổi lễ ra quân xây dựng nông thôn mới, xã chủ động thực hiện ngay những công việc có tính "bắc cầu" cho công việc khác, nhưng những việc này trước tiên phải mang lại lợi ích thiết thực, tức thời cho người dân như: nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng, bờ bao, bờ thửa và đê bao để nhân dân chủ động sản xuất; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; bê-tông kè, cầu, đường nông thôn...".
Nổi bật trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Kiên Giang còn có xã Ðịnh Hòa, huyện Gò Quao. Ðược chọn là xã điểm xây dựng nông thôn mới, sau một thời gian quyết tâm thực hiện, từ một xã nghèo, hạ tầng kém, phần lớn là người dân tộc Khmer, đời sống khó khăn, đến nay Ðịnh Hòa đã hoàn thành 16/19 tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu cuối năm 2014 được công nhận xã nông thôn mới. Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ðịnh Hòa Ðào Văn Lẹ cho biết: Tổng vốn mà Ðịnh Hòa huy động qua ba năm hơn 42,2 tỷ đồng, trong đó hơn 15 tỷ đồng do các nhà tài trợ và nhân dân đóng góp. Nguồn lực của người dân rất lớn, nhưng nguồn lực đó phải được xác định đúng và đầy đủ mới phát huy một cách tốt nhất. Nguồn lực đó chính là lao động, đất đai, vốn, trình độ áp dụng khoa học - kỹ thuật, kinh nghiệm thực tiễn". Nhưng để tập trung được nguồn lực này không phải nơi nào cũng làm được, nếu như không thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, không biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhân dân và phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên.
Kiên Giang là tỉnh có đội tàu đánh cá và sản lượng đánh bắt lớn nhất cả nước.