Ngày 20-4-2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 948-QĐ/TU thành lập Ban Chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa với nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tại hai khu di tích quốc gia đặc biệt này.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư các dự án trong Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Tính đến nay, trung tâm đã triển khai thực hiện 20 dự án tại hai địa chỉ trên. Trong đó, có 13 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng và bảy dự án đang triển khai.
Vướng mắc lớn nhất hiện nay trong bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long là chưa thống nhất mặt bằng, trong đó Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam và Trạm xăng dầu tại đường Nguyễn Tri Phương vẫn do Bộ Quốc phòng quản lý và một số khu đất do cá nhân đang sử dụng. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, sớm thống nhất quản lý theo cam kết của Chính phủ với UNESCO.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng kiến nghị Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cho phép sử dụng một số công trình tại khu vực Trạm khách T66 (Bộ Quốc phòng) làm kho lưu giữ và bảo quản hiện vật; kiến nghị cho phép tăng mức thu phí, lệ phí tham quan và thu dịch vụ tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa; đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mở rộng và tăng thời lượng chương trình học tập ngoại khóa cho học sinh gắn với việc tìm hiểu các di tích lịch sử của Thủ đô, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa...
Kết luận phiên họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các cơ quan tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo; phân công cụ thể nhiệm vụ, lĩnh vực của các thành viên Ban Chỉ đạo.
Đồng chí yêu cầu các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa phải được xây dựng chi tiết, cụ thể, đưa các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, phải có các thành phần ưu tiên, lộ trình kèm theo; các dự án bảo tồn, phục dựng phải dựa trên nghiên cứu khoa học chặt chẽ, từ đó tạo sự đồng thuận trong các chuyên gia, nhân dân.