Dự lễ thông xe có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội.
Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết, hầm có kết cấu bê-tông cốt thép, xây dựng trục thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Tổng chiều dài hầm và gờ chắn hai đầu là 475m, trong đó hầm kín dài 95m, hầm hở và gờ chắn dẫn vào dài 380m. Mặt cắt ngang gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm rộng 7,75m, gồm hai làn xe cơ giới, mỗi làn rộng 3,5m. Phần hầm hở mỗi chiều rộng 7,75m, phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng một mét.
Đơn vị thi công đã xén hè mở rộng đường Lê Văn Lương với chiều dài trên 300m; xén hè mở rộng đường Tố Hữu khoảng 400m. Công trình có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng.
Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần giảm ùn tắc tại khu vực nút giao đường Lê Văn Lương-Khuất Duy Tiến (đường vành đai 3), cải thiện hạ tầng giao thông cho khu vực phía tây Thủ đô.
Theo phương án phân luồng của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, phương tiện được đi hai chiều trên nút giao hầm chui Lê Văn Lương-vành đai 3 theo hướng đường Lê Văn Lương đi Tố Hữu và ngược lại. Phương tiện trên đường Khuất Duy Tiến (vành đai 3) không được phép rẽ trái đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu mà phải đi thẳng qua nút giao, quay đầu tại hai điểm mở dải phân cách trên đường Khuất Duy Tiến và rẽ phải đi đường Lê Văn Lương hoặc Tố Hữu. Xe thô sơ, người đi bộ, phương tiện cao quá 4,75m không được đi qua hầm chui Lê Văn Lương.
Làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh BRT qua đoạn đường này cũng được khôi phục theo hiện trạng trước khi thi công hầm chui.