Hà Nội tăng phân cấp, ủy quyền cần gắn với kiểm tra, giám sát

NDO -

Chiều 29/6, sau hai ngày làm việc, hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội đã bế mạc, hoàn thành các nội dung đã đề ra.

Hội nghị của Thành ủy Hà Nội ngày 29/6.
Hội nghị của Thành ủy Hà Nội ngày 29/6.

Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, yêu cầu các cấp, các ngành thành phố tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch và tiến độ đề ra đối với dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tiếp tục triển khai các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội; tập trung cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh...

Về phân cấp quản lý nhà nước giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố, đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm, tổng hợp, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia xác đáng để tiếp tục rà soát, hoàn thiện đề án.

“Quá trình tiếp thu, hoàn thiện đề án cần lưu ý tiếp cận vấn đề với tư duy đổi mới, đột phá, xác định phân cấp, ủy quyền là nội dung quan trọng gắn với cải cách hành chính, nhằm giải quyết nhanh gọn các vấn đề, phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức, người dân trên địa bàn thành phố. Nguyên tắc phân cấp, ủy quyền cần phải làm từng bước, có thể thí điểm đối với một số lĩnh vực, một số địa bàn phù hợp, vừa bảo đảm tính ổn định, vừa tính đến yếu tố đổi mới, rõ trách nhiệm, gắn với công tác kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện...”, Bí thư Thành ủy chỉ rõ.

Về dự thảo Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cơ bản thống nhất và đánh giá, dự thảo Chương trình hành động đã bám sát và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại nghị quyết của Bộ Chính trị, đồng thời gắn với các mục tiêu, chỉ tiêu, định hướng lớn, khâu đột phá, các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác của Thành ủy (khóa XVII) và tình hình thực tiễn.

Để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các ban xây dựng Đảng và Văn phòng Thành ủy, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu tối đa ý kiến tham gia xác đáng của các đại biểu tại hội nghị, hoàn thiện Chương trình hành động để trình ký ban hành theo Quy chế làm việc của Thành ủy.

Về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030, đồng chí Đinh Tiến Dũng cho biết, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thống nhất việc nghiên cứu, xây dựng Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030.

Lưu ý một số mục tiêu, yêu cầu đối với Chương trình, Bí thư Thành ủy chỉ đạo phải nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kiểm soát chặt chẽ quản lý theo quy hoạch. Phát triển nhà ở phải gắn với phát triển đô thị bền vững, định hướng chương trình phát triển đô thị, phát triển đô thị vệ tinh, hướng trục vành đai; định hướng phát triển theo đề án đầu tư xây dựng 5 huyện thành quận; mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai).

Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, việc phát triển nhà ở phải bảo đảm đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm văn minh, hiện đại, thông minh; nâng cao chất lượng nhà ở, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở như nhau đối với từng loại hình phát triển nhà ở. Định hướng phát triển nhà ở xã hội theo hướng đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung, bảo đảm văn minh, hiện đại.