Dự buổi làm việc có đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam Michael Croft.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội hiện quản lý hai di tích: Di sản Văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long (gồm khu khảo cổ tại số 18 phố Hoàng Diệu và khu Hoàng thành tại số 9 phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình), di tích quốc gia đặc biệt thành Cổ Loa (huyện Đông Anh). Trung tâm hiện đã hoàn thành dự án bảo tồn, tôn tạo tường thành cung phía tây vào năm 2017; đang thực hiện các dự án như: Bảo tồn nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian điện Kính Thiên; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (gồm nhiều dự án thành phần); Dự án lập quy hoạch chi tiết 1/500 Khu di tích thành Cổ Loa... Trong đó, Hoàng thành Thăng Long là di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô, vừa tiến hành nghiên cứu, làm rõ giá trị, vừa triển khai các biện pháp phát huy, quảng bá di sản.
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia, các nhà khoa học đã cho ý kiến về việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, triển khai các dự án thành phần... để đưa giá trị của Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa đến với công chúng, phát huy nguồn lực văn hóa để phục vụ cho phát triển.
Các nhà khoa học đề xuất sớm thống nhất công tác quản lý để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị, như đề nghị Bộ Quốc phòng sớm bàn giao các phần diện tích còn lại cho UBND TP Hà Nội; Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bàn giao các hiện vật khảo cổ trong quá trình nghiên cứu cho cơ quan chức năng của Hà Nội. Việc nhất thể hóa quản lý chính là một trong tám nội dung mà TP Hà Nội chưa thực hiện được theo cam kết với UNESCO khi được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới năm 2010.
Đối với không gian Hoàng thành Thăng Long, cần sớm triển khai việc di chuyển nhà của Cục tác chiến hiện đang án ngữ trước điện Kính Thiên. Các nhà khoa học cho rằng, việc phục dựng điện Kính Thiên chính là “linh hồn” của Hoàng thành Thăng Long. Thành phố Hà Nội nên thành lập các dự án thành phần, trước hết là dự án nghiên cứu, phục dựng trên mô hình 3D; tiếp đó là triển khai trên thực tế.
Đối với khu khảo cổ tại số 18 phố Hoàng Diệu, các nhà khoa học đề nghị Hà Nội khẩn trương bảo quản lâu dài, do hiện tại hệ thống mái che tại khu khảo cổ số 18 phố Hoàng Diệu đã xuống cấp.
Đối với các dự án tại thành Cổ Loa, các nhà khoa học đề xuất khẩn trương thực hiện di dời các hộ dân xây dựng vi phạm tại không gian di tích; sớm tiến hành xây dựng đền thờ Ngô Quyền để tôn vinh vị Tổ Trung hưng của dân tộc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà thành phố Hà Nội, cũng như Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, các cơ quan khoa học đã làm được đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long, thành Cổ Loa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai.
Để khắc phục những hạn chế trên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị bám sát thông báo kết luận giữa Quân ủy Trung ương và Thành ủy Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng Lịch sử quân sự tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, nhằm di dời Bảo tàng sang cơ sở mới, để Hà Nội có thể sớm tiếp nhận phần diện tích của Bảo tàng về Hoàng thành Thăng Long.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án, trong đó khẩn trương triển khai dự án tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và dự án phục hồi điện Kính Thiên.
Bí thư Thành ủy cũng lưu ý, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các hoạt động giáo dục, làm phim, tổ chức các sự kiện văn hóa... để quảng bá, phát huy giá trị của di sản, di tích. Đồng chí chỉ đạo thành lập ngay Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa, do Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu.