Hà Nội sẽ đẩy mạnh luân chuyển cán bộ

Ngày 13/10, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Đề án tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và Kế hoạch luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ các ban, ngành, sở và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu nêu ý kiến đóng góp vào hai dự thảo của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.
Các đại biểu nêu ý kiến đóng góp vào hai dự thảo của Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội.

Phó Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Minh Long cho biết: Đề án nhằm chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã bảo đảm số lượng và chất lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa và trẻ hóa đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong tạo nguồn, xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã.

Đề án cũng nhằm tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu trong Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31/5/2021 và Quy định số 07- QĐ/TU ngày 16/8/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về công tác cán bộ.

Trong khi đó, Kế hoạch luân chuyển, điều động, biệt phái cán bộ các ban, ngành, sở và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội nhằm bố trí, sắp xếp hợp lý đội ngũ cán bộ; khắc phục tình trạng nơi thừa nơi thiếu và cục bộ, khép kín; tránh sức ì, phát huy sự đổi mới, tích cực, tạo động lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, tạo nguồn cán bộ đảm bảo tính liên thông, đồng bộ trong công tác cán bộ của thành phố.

Về phạm vi, dự thảo Kế hoạch nêu ưu tiên bố trí sắp xếp theo 3 khối: Khối các cơ quan Đảng; khối các cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; khối các cơ quan chính quyền, đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức giữ chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương; cán bộ, công chức, viên chức trẻ (dưới 35 tuổi), trong quy hoạch; có năng lực công tác, triển vọng phát triển; chưa có kinh nghiệm công tác thực tiễn tại cơ sở.

Cũng theo dự thảo Kế hoạch, sẽ có 4 đợt luân chuyển, điều động cán bộ trong 2 năm tới, định kỳ 6 tháng 1 lần.

Tại hội nghị, các ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo 2 văn bản nêu trên và đề xuất thêm một số nội dung cần bổ sung, làm rõ.

Đáng chú ý, các ý kiến cho rằng, việc thực hiện các chủ trương trên rất cần thiết, cán bộ, nhất là người dưới 35 tuổi nếu được đưa đi cơ sở đào tạo thì chỉ sau 2-3 năm đã dày dạn kinh nghiệm, nâng cao cả bản lĩnh và trình độ lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành.

Trong khi đó, việc bố trí bí thư, chủ tịch cấp xã không phải người địa phương đều ghi nhận thành công.

Ngoài ra, có ý kiến đề xuất, nên tổ chức đào tạo các chức danh chủ chốt cấp xã, nhất là bí thư đảng ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã theo hướng chính quy, chuyên nghiệp.

Đặc biệt, thành phố cần nghiên cứu có chế độ đãi ngộ, chế độ chính sách xứng đáng mới có thể thu hút nhân sự có trình độ và giữ chân nhân sự chất lượng cho cấp xã.