Kinh nghiệm điều động, luân chuyển cán bộ ở Hà Nội

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ ở Hà Nội là làm sao sắp xếp, phân công nhiệm vụ phù hợp, không trùng lắp. Chủ động đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, cuối năm 2008, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 11 về điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Sau năm năm triển khai, hầu hết cán bộ luân chuyển đã từng bước khẳng định năng lực, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Với tác phong gắn bó, sâu sát cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa (bên phải) được cán bộ và nhân dân tin tưởng.
Với tác phong gắn bó, sâu sát cơ sở, Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa (bên phải) được cán bộ và nhân dân tin tưởng.

Trưởng thành qua thử thách

Việc luân chuyển đồng chí Phạm Hải Hoa, sinh năm 1974, từ Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Phú Xuyên về làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc cách đây hơn một năm vẫn được nhắc đến như một thí dụ điển hình về việc cấp ủy đã đánh giá và sử dụng đúng người, đúng việc. Tháng 4-2012, xã Phú Túc là điểm nóng về tranh chấp đất đai giữa người dân hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng. Do đó, việc đưa một cán bộ nữ, trẻ, chưa qua công tác cơ sở về đảm nhiệm vị trí đứng đầu cấp ủy Phú Túc lúc đó có những băn khoăn. Bản thân đồng chí Hoa cũng lo lắng vì điều kiện đi lại khó khăn, địa bàn phức tạp... Tuy nhiên, chỉ hơn một tháng sau, việc nhân dân hai thôn hóa giải tranh chấp, tự phá dỡ bờ bao để chính quyền xã phân chia lại ruộng đất theo quy định, đã chứng minh sự đúng đắn trong công tác cán bộ của cấp ủy huyện cũng như nỗ lực của cán bộ luân chuyển. Đồng chí Hoa chia sẻ, để giải quyết những mâu thuẫn, thời kỳ đầu, ngày làm việc, tối chị ở lại xã cùng cán bộ xuống gặp gỡ, vận động nhân dân hai thôn để không phải thực hiện cưỡng chế. Sau sự việc đó, chị rút ra bài học là sẽ tránh được những phức tạp không đáng có nếu làm tốt công tác tư tưởng, có quan điểm chỉ đạo rõ ràng, nhất quán đối với những mâu thuẫn dù nhỏ. Công tác ở cơ sở, nếu người đứng đầu né tránh đối thoại sẽ không giải quyết được việc.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Túc Nguyễn Thanh Thủy, việc luân chuyển đồng chí Hoa về đảm nhiệm vị trí chủ chốt đã giúp địa phương hóa giải mâu thuẫn nội bộ, đội ngũ cán bộ trong xã phối hợp công tác tốt.

Bởi thế, sau khi giải quyết xong vụ việc giữa hai thôn, cấp ủy xã duy trì thực hiện nghiêm chế độ cán bộ xã dự họp chi bộ thôn, để nắm bắt, kịp thời giải quyết những vướng mắc.

Trong thực hiện dồn điền đổi thửa, đồng chí Bí thư và tất cả cán bộ xã về hết tám thôn cùng đảng viên, nhân dân bàn bạc, triển khai, ra quân đồng loạt, nên việc dồn điền đổi thửa toàn bộ 560 ha đất canh tác diễn ra suôn sẻ, chóng vánh, tách được hàng chục ha đất làm khu đấu giá, giãn dân, xây dựng công trình công cộng...

Trở lại xã Văn Hoàng (huyện Phú Xuyên) lần này, chúng tôi cảm nhận khí thế mới trong tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức xã. Chỉ sau hai năm quyết tâm thay đổi về "chất", Văn Hoàng đã "lội ngược dòng", từ tổ chức đảng bị xếp loại yếu kém nhiều năm trở thành Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Thành quả này ghi dấu ấn của đồng chí Nguyễn Hữu Chi, Chánh Văn phòng UBND huyện được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã. Tháng 6-2012, nhận nhiệm vụ mới, với quyết tâm vực dậy phong trào, đồng chí Bí thư chủ động bàn bạc với đội ngũ cán bộ tại chỗ, rà soát, bổ sung quy chế làm việc; khắc phục tồn đọng về đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; luân chuyển hơn 10 vị trí công tác phù hợp năng lực, sở trường của cán bộ. Đến nay, Văn Hoàng là đơn vị dẫn đầu huyện về công tác dồn điền đổi thửa; đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp; hoàn thành quy ước nông thôn mới, là xã đầu tiên có trang thông tin điện tử... Điều quan trọng hơn là đã củng cố đoàn kết trong Đảng, niềm tin trong nhân dân, không còn tình trạng cục bộ địa phương, dòng họ, thể hiện qua sự thành công trong công tác nhân sự tại đại hội các tổ chức đoàn thể.

Với sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, nguyên Bí thư Thành Đoàn Hà Nội chủ động đề xuất về việc luân chuyển và tình nguyện nhận nhiệm vụ ở địa bàn khó khăn, xa trung tâm, để được trải nghiệm những thử thách mới trong công việc. Đảm nhiệm vị trí người đứng đầu cấp ủy ở một địa bàn còn khó khăn như huyện Phúc Thọ từ tháng 7-2012, đồng chí dành nhiều thời gian tiếp cận thực tế, tìm hiểu, lắng nghe cơ sở để có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy mặt tích cực, đồng thời đổi mới, điều chỉnh tác phong công tác của đội ngũ cán bộ từ huyện đến thôn. Trong sáu tháng đầu, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã tiếp xúc, gặp gỡ gần một trăm cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện; đến thăm, trò chuyện và lắng nghe ý kiến của nhiều người dân; nhiều lần kiểm tra đột xuất việc thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo cơ sở và kỷ cương hành chính nhằm nhắc nhở, uốn nắn kịp thời những hành vi chưa đúng mực hoặc những biểu hiện tiêu cực nếu có... Cứ hai tháng một lần, đồng chí chỉ đạo tổ chức hội nghị chuyên đề cho cán bộ chủ chốt từ huyện đến xã, tập trung bàn giải pháp khắc phục những vấn đề "nóng" ở địa phương như: quản lý đất đai, giải quyết khiếu nại - tố cáo, bảo vệ môi trường, cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp... Nhờ vậy, nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Phúc Thọ chín tháng đầu năm nay đã vượt so với cả năm 2012.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội, cho biết, gần năm năm thực hiện Kế hoạch 11, tính đến tháng 6 năm nay, đã có 118 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được luân chuyển, điều động từ khối các cơ quan Đảng, đoàn thể sang chính quyền và ngược lại; từ các sở, ban, ngành thành phố về công tác tại các quận, huyện, thị xã và ngược lại. Phần lớn các cán bộ luân chuyển, điều động của Hà Nội đều nhận công tác mới ở các địa bàn khó khăn hoặc đang có những vấn đề vướng mắc, bức xúc cần xử lý. Sau thời gian luân chuyển, hầu hết cán bộ đều trưởng thành, nhiều đồng chí phát triển tốt.

Bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ

Kinh nghiệm điều động, luân chuyển cán bộ ở Hà Nội ảnh 1

Trong thời gian làm cán bộ luân chuyển, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu (thứ hai từ phải sang)có nhiều sáng kiến.

Chủ trương của Thành ủy Hà Nội trong phân công nhiệm vụ cán bộ điều động, luân chuyển căn cứ điều kiện cụ thể của từng địa phương, đơn vị, khả năng chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác của cán bộ để sắp xếp phù hợp.

Tuy nhiên, chia sẻ của nhiều người trong cuộc, nhất là những cán bộ đang làm công tác chuyên môn về nhận nhiệm vụ ở cơ sở, đều có những lúng túng ban đầu trong tiếp cận công việc. Ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị..., nhiều cấp ủy đã có sáng kiến mở các khóa tập huấn ngắn hạn để nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, theo hướng "cầm tay chỉ việc", để cán bộ diện điều động, luân chuyển bắt nhịp nhanh với môi trường làm việc mới. Mặt khác, đây cũng là cách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ có triển vọng.

54 cán bộ chủ chốt các phòng, ban và cấp phường của quận Tây Hồ đã hiểu rõ hơn về công việc của nhau trên ba lĩnh vực: đảng, chính quyền và mặt trận đoàn thể, sau năm tháng tham gia khóa bồi dưỡng đầu tiên về kỹ năng lãnh đạo quản lý, vào các ngày thứ bảy hằng tuần. Nêu ý tưởng, trực tiếp biên soạn tài liệu và đứng lớp là Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Thắng. Đồng chí Thắng cho biết, xuất phát từ thực tế một số cán bộ được điều động, luân chuyển gặp nhiều bỡ ngỡ khi nhận nhiệm vụ mới, hoặc cán bộ ở các lĩnh vực khác nhau không hiểu, thậm chí coi thường công việc của nhau, cho nên chưa có sự phối hợp hiệu quả, Quận ủy chủ trương bồi dưỡng kỹ năng toàn diện. 12 chuyên đề tập trung vào 12 kỹ năng cần thiết, gắn với từng lĩnh vực cụ thể của cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở. Qua mỗi chuyên đề, học viên được thực hành kỹ năng nắm bắt và xử lý vấn đề gắn với các tình huống có thể gặp trong giao tiếp, ứng xử đến tổ chức, điều hành, kết luận hội nghị hoặc họp Đảng ủy... Đồng chí Phạm Tuấn Diếp, một cán bộ được luân chuyển qua nhiều vị trí công tác, từ Trưởng phòng Kinh tế UBND quận về làm Bí thư Đảng ủy phường Yên Phụ, nay là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc quận cho rằng, những kỹ năng học được từ khóa bồi dưỡng này có tính thực tế cao, dễ hiểu, dễ áp dụng. Cách truyền đạt các chuyên đề có tính gợi mở, nhằm tìm giải pháp tối ưu cho các tình huống. Hiện tại, Quận ủy tiếp tục tổ chức lớp thứ hai với 145 cán bộ, sinh từ năm 1970, có triển vọng phát triển.

Chia sẻ với cán bộ trẻ những bỡ ngỡ, khó khăn trong công tác, theo sáng kiến của đồng chí Bí thư, Ban Thường vụ Huyện ủy Phúc Thọ cũng đã tổ chức khóa học trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp xử lý công việc cho cán bộ, công chức dưới 40 tuổi, đang công tác trong các cơ quan Đảng, MTTQ và các đoàn thể. Theo Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu, chương trình này vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa chuẩn bị nhân lực bảo đảm thực hiện tốt Kế hoạch của Huyện ủy về luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ sau rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý năm 2013 nhằm chuẩn bị một bước về nhân sự cho nhiệm kỳ 2015-2020.

Một số bài học kinh nghiệm

Đồng chí Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho rằng, có ba yếu tố để công tác điều động, luân chuyển cán bộ thành công, đó là: cấp ủy, lãnh đạo nơi đi cần lựa chọn cán bộ phù hợp, có sự theo dõi, đánh giá kết quả qua thực tế công việc; tại nơi đến cần có sự phối hợp, tạo điều kiện, phân công công việc hợp lý để cán bộ nhanh chóng hòa nhập; và cuối cùng là bản thân cán bộ diện điều động, luân chuyển phải nỗ lực vượt khó, chủ động, không e ngại, né tránh trong công việc. Nhớ lại thời gian làm cán bộ luân chuyển, từ Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về làm Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm, chị cảm động nhắc đến tình cảm "nơi đến" dành cho mình, giúp chị vượt lên những thử thách ban đầu về việc đi làm xa, tính chất công việc hoàn toàn mới. Chị nhanh chóng tìm thấy những điều mới mẻ trong công việc, nhận thấy mình trưởng thành hơn khi sát gần cơ sở... Sau bốn năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở địa phương, chị được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Sở. Và những điều thu nhận được trong thời gian công tác ở huyện đã giúp chị có những chỉ đạo sâu sát cơ sở hơn trên cương vị người đứng đầu cơ quan chuyên môn.

Công tác đánh giá cán bộ cũng góp phần không nhỏ để nhận diện đúng năng lực, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, làm cơ sở để điều động, luân chuyển, sắp xếp, sử dụng cán bộ hiệu quả. Thực tế công tác này đã ghi nhận nhiều cách làm hay của Hà Nội từ cấp thành phố đến cơ sở. Tại Phú Xuyên, đơn vị có cả Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện đều là cán bộ luân chuyển, khâu đánh giá chất lượng cán bộ có nhiều nét mới, đi vào thực chất. Nếu như trước đây, các lãnh đạo từ huyện đến xã chỉ có một bản tự đánh giá vào cuối năm, thì từ cuối năm 2012, công tác đánh giá được cải tiến, khách quan hơn. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy được các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đánh giá. Lãnh đạo chủ chốt của huyện, trưởng, phó phòng, ban được các cán bộ chủ chốt xã nhận xét ưu, khuyết điểm sáu tháng một lần. Với cấp xã, mỗi năm một lần, cán bộ đầu ngành của huyện đánh giá cán bộ chủ chốt xã. Đồng chí nào có khuyết điểm, nhưng qua hai lần kiểm điểm, đánh giá mà chưa khắc phục sẽ bố trí, sắp xếp lại công việc.

Bằng kinh nghiệm của cán bộ luân chuyển từ khối chính quyền sang công tác đảng, phụ trách công tác cán bộ, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng chia sẻ kinh nghiệm, để làm tốt công tác điều động, luân chuyển cán bộ không thể xem nhẹ công tác tư tưởng đối với cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển và với cấp ủy, chính quyền nơi cán bộ đến. Sau khi điều động, luân chuyển thường xuyên quan tâm, nắm tình hình, giúp đỡ cán bộ, nhất là giai đoạn đầu chưa quen người, quen việc. Hằng năm, Thành ủy và địa phương cần duy trì gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe cán bộ thuộc diện điều động, luân chuyển để đánh giá đúng kết quả đạt được, đồng thời có giải pháp tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Mặt khác, để tạo động lực cho cán bộ diện điều động, luân chuyển yên tâm phấn đấu, tổ chức cũng cần xem xét sự phát triển cán bộ. Các đơn vị khi bổ nhiệm cần ưu tiên cán bộ đã qua luân chuyển, nếu hội đủ tiêu chuẩn.

Thực tế vẫn có một số cấp ủy, thủ trưởng cơ quan chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ; có biểu hiện né tránh, cục bộ, chưa thật sự tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hòa nhập. Một số cán bộ ngại luân chuyển về những địa bàn khó khăn, phức tạp. Trường hợp khác mang tâm lý "luân chuyển" nên không muốn đụng chạm... Những hạn chế đó, tuy không phải là phổ biến chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhưng cần được cấp ủy các cấp của Hà Nội quan tâm, khắc phục để thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.