Theo đại diện công ty, năm 2024 thời tiết sẽ diễn biến phức tạp, nắng nóng gay gắt xuất hiện nhiều nơi, mưa lớn bất thường khốc liệt không theo quy luật sẽ thường xuyên diễn ra, bao gồm cả giông lốc, mưa đá.
Sẽ có 11 điểm ngập úng nếu lượng mưa từ 50-70mm
Trước thực tế trên, công ty dự báo sẽ gia tăng các điểm ngập úng tại nội thành Hà Nội. Với các trận mưa có lượng mưa 50-70mm/giờ, năm 2024 Hà Nội sẽ tồn tại 11 điểm ngập.
Trong 11 điểm trên, tại lưu vực sông Tô Lịch sẽ xuất hiện 8 điểm. Trong đó, quận Đống Đa có 1 điểm tại phố Nguyễn Khuyến (khu vực trước cổng Trường Lý Thường Kiệt); quận Cầu Giấy có 1 điểm tại phố Hoa Bằng; quận Hoàn Kiếm có 2 điểm tại ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt và ngã năm Đường Thành - Bát Đàn nhà Hỏa.
Quận Ba Đình có một điểm ngập nằm ở phố Cao Bá Quát (đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị); quận Tây Hồ có 1 điểm ngập tại phố Thụy Khuê (dốc La Pho); quận Hai Bà Trưng có một điểm ngập trên phố Minh Khai (đoạn chân cầu Vĩnh Tuy); quận Hoàng Mai có một điểm ngập trên phố Nguyễn Chính.
Công nhân công ty Thoát nước Hà Nội ứng trực trong trận mưa lớn chiều tối ngày 30/5. |
Tại lưu vực sông Nhuệ, theo Công ty Thoát nước Hà Nội, xuất hiện một điểm ngập tại quận Nam Từ Liêm trên Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6 km9+656; nút giao An Khánh).
Tại lưu vực Long Biên - sông Cầu Bây xuất hiện hai điểm ngập tại quận Long Biên, nằm trên phố Ngọc Lâm (từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm) và đường Hoàng Như Tiếp (Trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp - Ái Mộ).
Mưa trên 70mm sẽ phát sinh 19 điểm ngập úng
Với các trận mưa có lượng mưa trên 70mm/h; mưa có cường độ cao, tập trung trong thời gian ngắn gây quá tải hệ thống thoát nước, năm 2024 Hà Nội sẽ xuất hiện thêm 19 điểm ngập úng. Cụ thể:
Tại lưu vực sông Tô Lịch sẽ phát sinh thêm 8 điểm ngập. Trong đó, quận Hoàn Kiếm xuất hiện 3 điểm: tại Phố Tông Đản (đoạn cổng phụ Thành ủy Hà Nội), phố Đinh Tiên Hoàng (đoạn đài phun nước, Bến xe điện) và 155 Phùng Hưng.
Quận Cầu Giấy xuất hiện 1 điểm ngập, tại ngã ba Cầu Giấy - Dịch Vọng và từ số nhà 235 - 255 Cầu Giấy; quận Hoàng Mai xuất hiện 1 điểm tại đường Mạc Thị Bưởi; quận Thanh Xuân có 3 điểm: tại phố Quan Nhân, Cự Lộc và đường Nguyễn Trãi (khu vực Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn).
Điểm úng ngập xuất hiện tại đường Chiến Thắng (Hà Đông) sau cơn mưa chiều 30/5. |
Tại lưu vực sông Nhuệ sẽ xuất hiệm 8 điểm ngập. Trong đó, quận Cầu Giấy có 3 điểm: tại phố Phan Văn Trường, Dương Đình Nghệ - Phạm Hùng (sau tòa nhà Keangnam) và phố Trần Bình (đoạn trước cửa UBND phường Mai Dịch đến Bệnh viện 198).
Quận Bắc Từ Liêm có 3 điểm ngập: tại phố Kẻ Vẽ (đoạn ngã 3 chợ Vẽ), tại khu vực nhà ở xã hội Ecohome 3 và khu đô thị Resco.
Quận Nam Từ Liêm có 1 điểm ngập tại đường Đỗ Đức Dục; quận Thanh Xuân có 1 điểm ngập trên đường Nguyễn Xiển.
Tại lưu vực Long Biên, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết sẽ xuất hiện 1 điểm ngập tại đường Cổ Linh - Đàm Quang Trung - đoạn nút giao thông Cổ Linh - Đàm Quang Trung.
Lưu vực Đông Anh sẽ xuất hiện 2 điểm ngập tại huyện Đông Anh trên đường quốc lộ 3 (đoạn qua xã Mai Lâm) và đường 23B (đoạn qua thôn Cổ Điển).
Ngập úng do các gói thầu thoát nước chậm tiến độ
Lý giải về nguyên nhân hiện tượng ngập úng, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, tại khu vực sông Tô Lịch, về cơ bản, hệ thống thoát nước đã được cải tạo theo dự án thoát nước giai đoạn 1 và 2 nhưng vẫn còn nhiều dự án thi công xong chưa thanh thải, bàn giao vào vận hành. Điển hình như các gói thầu CP3, CP4 cải tạo cống hóa của lưu vực.
Ngoài ra, nhiều dự án hạ tầng lớn đang thi công cũng bị chậm tiến độ, như đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, gói thầu số 2, cống nước thải Yên Xá. Một nguyên nhân khác được xác định là do khu vực đô thị trung tâm có nhiều vị trí trũng thấp cục bộ, hệ thống cống cũ nhỏ xuống cấp, xa nguồn tiêu, tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh rác, dầu mỡ chưa qua xử lý...
Thi công hệ thống cống ngầm dẫn nước thải sông Tô Lịch về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. (Ảnh: DUY LINH) |
Tại lưu vực sông Nhuệ, đại diện công ty thông tin: Về cơ bản địa bàn thoát nước tự chảy, phụ thuộc mực nước sông Nhuệ. Ở đây, hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ theo quy hoạch, nhất là các trạm bơm đầu mối và hồ điều hòa.
"Sông Nhuệ chưa được cải tạo, bị vi phạm lấn chiếm, chưa điều tiết được mức nước một cách chủ động. Trạm bơm Yên Nghĩa vận hành còn hạn chế do vướng công tác giải phóng mặt bằng kênh dẫn La Khê", phía Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay.
Tại lưu vực Long Biên, hình thức thoát nước chính là tự chảy ra sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải do ngành nông nghiệp quản lý. Hiện chưa xây dựng được các trạm bơm đầu mối theo quy hoạch nên chưa chủ động điều tiết được mực nước trên hệ thống thoát nước, gây úng ngập tại một số khu vực trũng khi mưa lớn.
Sẵn sàng các phương án thoát nước mùa mưa
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để bảo đảm thoát nước, chống úng ngập nội thành, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, trong đó tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi tình hình thời tiết, xây dựng kịch bản với các tình huống cụ thể; thực hiện duy trì thường xuyên hệ thống cống, rãnh mương, sông, hồ điều hòa đồng bộ theo lưu vực gắn với các trọng điểm úng ngập.
Kiểm soát thường xuyên, giữ mực nước đệm khống chế theo quy định trong mùa mưa trên hệ thống mương, sông, hồ điều hòa qua việc vận hành kịp thời hợp lý các trạm bơm, công tác dẫn dòng thi công...
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn tại buổi thông tin. |
Xây dựng và thực hiện tốt phương án ứng trực 24/24 giờ để giải quyết thoát nước khi mưa, triển khai đầy đủ các giải pháp xử lý cụ thể cho các điểm úng ngập, đọng nước. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hoá trong công tác giám sát, điều hành giải quyết thoát nước của Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước thành phố.
"Hiện tại, đơn vị luôn luôn chủ động, sẵn sàng đối với các tình huống thiên tai, mưa bão, các trận mưa lớn bất thường, vượt quá năng lực tiêu thoát nước của hệ thống thoát nước hiện có trên địa bàn, lưu vực bằng các giải pháp cụ thể và hiệu quả như đề xuất xây dựng bể ngầm, các trạm bơm đầu mối", ông Trịnh Ngọc Sơn thông tin.