Hà Nội dừng hoàn toàn bắn pháo hoa dịp kỷ niệm 70 năm giải phóng Thủ đô

Chiều 24/9, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì họp Ban Thường vụ Thành ủy nghe báo cáo và cho ý kiến về các hoạt động tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Quang cảnh hội nghị chiều 24/9.
Quang cảnh hội nghị chiều 24/9.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Vũ Thu Hà báo cáo tình hình triển khai, công tác chuẩn bị tổ chức các hoạt động kỷ niệm, nhất là đề xuất điều chỉnh các sự kiện cho phù hợp trong bối cảnh cả nước đang tập trung hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ gây ra.

Trên cơ sở đó, hội nghị đã thảo luận kỹ, xem xét từng vấn đề, nêu ý kiến cụ thể đối với các đề xuất của Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố; trong đó, các ý kiến thống nhất cao việc điều chỉnh tầm mức các hoạt động, nhiều ý kiến đề nghị dừng hẳn hoạt động bắn pháo hoa.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai đánh giá cao sự chủ động trong công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô của các cơ quan thành phố Hà Nội, nhất là sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội.

Đồng chí Đinh Thị Mai cho rằng, việc Hà Nội xem xét điều chỉnh các hoạt động kỷ niệm giữa lúc tập trung hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng do bão lũ là rất kịp thời, cần thiết.

Thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy kết luận chỉ đạo, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhất trí cao việc điều chỉnh các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, đây là việc làm xuất phát từ tình nghĩa đồng bào, thể hiện trách nhiệm của Thủ đô và tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”.

Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Thành ủy nhất trí cao chỉ đạo dừng toàn bộ hoạt động bắn pháo hoa theo kế hoạch bắn pháo hoa ở toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật tiếp tục tổ chức theo kế hoạch; Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo xem xét điều chỉnh tầm mức cụ thể đối với từng sự kiện bảo đảm ý nghĩa thiết thực, nhất là trên tinh thần đổi mới, hướng mạnh về người dân, đề cao sự tham gia, hưởng ứng và thưởng thức của người dân.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm, các cấp, các ngành đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị của Thủ đô; tăng cường quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch; mạnh mẽ truyền cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào và khát vọng xây dựng Thủ đô ngày càng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.