Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp làng nghề

Sáng 5/7, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh hoạt động tại các làng nghề trên địa bàn thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trực tiếp đối thoại, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội trực tiếp đối thoại, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh tại các làng nghề.

Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 331 làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được thành phố công nhận. Giá trị sản xuất của các làng nghề Hà Nội hiện nay đạt hơn 24.000 tỷ đồng.

Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của thành phố Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những nghệ nhân, thợ lành nghề qua từng sản phẩm đặc trưng.

Mỗi làng nghề đều mang một bản sắc riêng, tạo ra những sản phẩm độc đáo, tinh xảo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, mang lại hiệu quả kinh tế ngày càng cao cho lao động nông thôn.

Các làng nghề đã và đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội xác định làng nghề là điểm nhấn trong thập kỷ Công nghiệp văn hóa; là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương. Đồng thời, Hà Nội là điểm đến không thể thiếu được đối với du khách trong nước và quốc tế khi thăm Thủ đô. Sản phẩm làng nghề là thông điệp của nét văn hóa, lịch sử, con người của Thủ đô tới công chúng tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Hà Nội đối thoại với doanh nghiệp làng nghề ảnh 1

Nhiều hoạt động xúc tiến, giới thiệu, quảng bá làng nghề được thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức.

Tuy nhiên, các làng nghề vẫn chỉ sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, không tập trung, thiết bị sản xuất chủ yếu thủ công, lạc hậu, năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh còn hạn chế, tính cạnh tranh của một số sản phẩm làng nghề chưa cao, tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của Thủ đô.

Phần lớn việc sản xuất tại các làng nghề còn mang tính thời vụ do nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất còn phụ thuộc nhiều các tỉnh, thành phố và đang dần bị thu hẹp, phải mua, thu gom ở các vùng nguyên liệu trên các tỉnh, thành phố trong cả nước, cho nên cần kinh phí lớn để dự trữ nguyên liệu đầu vào. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ liên kết phát triển vùng nguyên liệu với các địa phương khác chưa được quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của các cơ sở, nhất là nhóm ngành hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, một số chính sách còn bất cập so thực tiễn, cho nên khi triển khai có nhiều hạn chế; việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và nguồn vốn vay của các ngân hàng thương mại gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề vẫn chưa mấy cải thiện, bao bì mẫu mã, nhãn mác sản phẩm làng nghề còn đơn giản, chưa bắt mắt, nhiều làng nghề đã bị mai một mất đi...

Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đối thoại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh làng nghề nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Hội nghị đã nhận được ý kiến, kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp, liên quan đến các nội dung chính như Quy hoạch, hạ tầng, du lịch và môi trường làng nghề; các cơ chế chính sách hỗ trợ làng nghề về vốn vay, đào tạo... và nhóm vấn đề liên quan khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, thương hiệu và liên kết vùng nguyên liệu.

Giám đốc Công ty TNHH phát triển nội thất gỗ Phương Đông (xã Vân Hà, huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Tiến Anh cho biết: Theo thực trạng hoạt động tại làng nghề, chúng tôi nhận thấy muốn đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, nên thông qua các tour tuyến du lịch để bán hàng hóa trực tiếp cho khách du lịch. Vậy đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng các điểm du lịch làng nghề để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, cung ứng nguyên vật liệu.

Đại diện Công ty TNHH may Phú Thành Phát (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên) mong muốn được hỗ trợ đưa máy móc khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất để có thể nâng cao năng suất của người lao động, giảm thời gian và chi phí sản xuất

Các ý kiến đã được lãnh đạo thành phố, các sở, ban, ngành trả lời trực tiếp ngay tại Hội nghị.

Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh: “Thành phố hiểu rằng những nhóm kiến nghị, đề xuất nêu trên không chỉ đơn thuần là kiến nghị mà còn là những gợi ý về giải pháp có tính thực tiễn gửi gắm các cấp, các ngành của thành phố. Hiện nay, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Luật Thủ đô sửa đổi. Đây là cơ hội để ban hành những cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh của thành phố để thúc đẩy bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn Thủ đô bền vững”.

Thành phố Hà Nội cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp làng nghề; nhất là tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống chính quyền và hỗ trợ doanh nghiệp…