Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề. Trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã, có 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề.
Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề (chiếm 27,48 % tổng sản phẩm OCOP toàn thành phố).
Thực hiện Quyết định số 4863/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống” Hà Nội 2023 - 2024.
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở làng nghề và tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề trình UBND thành phố phê duyệt, thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai.
Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”.
Sau khi được công nhận danh hiệu làng nghề, các làng nghề đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả, một số làng nghề đã thành lập Hội làng nghề hoặc Ban quản lý làng nghề (tiền thân của Hội làng nghề) để hỗ trợ, liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như gắn kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề như làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên,…
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, trên cơ sở kế hoạch của Hội đồng OCOP thành phố, ngay từ đầu năm Sở đã đã đôn đốc các huyện đăng ký và xây dựng kế hoạch triển khai. Tổ tư vấn phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội phối hợp với các địa phương để đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Trao chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho các chủ thể |
Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 544 sản phẩm OCOP, vượt 136% kế hoạch thành phố giao (400 sản phẩm). Trong đó có 440 sản phẩm 3 sao, 104 sản phẩm tiềm năng 4 sao, của 200 chủ thể (50 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã, 114 hộ kinh doanh); sản phẩm được đánh giá đa dạng về chủng loại, bao gồm: 280 sản phẩm thực phẩm chế biến (chiếm 51,5%); 16 sản phẩm thực phẩm thô, sơ chế chiếm (2,9%); 61 sản phẩm thực phẩm tươi sống (chiếm 11,2%); 16 sản phẩm đồ uống (chiếm 2,9%); một sản phẩm thảo dược, chiếm 0,2%; 142 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, vải may mặc chiếm 26,1%; 28 sản phẩm sinh vật cảnh, chiếm 5,1%. Tổng số sản phẩm từ làng nghề tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 là 141/544, chiếm 25,9%.
Lũy kế đến nay, thành phố Hà Nội đã đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 2.711 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao, trở thành điểm sáng và đi đầu của cả nước trong phát triển chương trình OCOP.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Hà Nội xác định phát triển ngành nghề nông thôn, thực hiện Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát triển làng nghề; kịp thời điều chỉnh, bổ sung và thống nhất triển khai trên địa bàn thành phố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển nghề, làng nghề; hướng dẫn các địa phương rà soát xây dựng hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội, góp phần đưa Chương trình 04 của Thành ủy về đích trước một năm so với mục tiêu năm 2024…
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng đề nghị các địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn bảo đảm đúng quy định; phấn đấu thực hiện Chương trình OCOP hoàn thành mục tiêu trước một năm so với kế hoạch... Các làng nghề, làng nghề truyền thống đã được UBND thành phố công nhận tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề, chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền; đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề trong nước và quốc tế.
Cùng ngày, Chi cục Phát triển nông thôn và Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp đã phối hợp tổ chức triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nông sản làng nghề truyền thống của Hà Nội.
Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP |
Tại triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm của các làng nghề, các sản phẩm OCOP đạt từ 3 đến 4 sao như làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên; các sản phẩm đã chế biến như bánh cuốn Thanh Trì, Giò chả Ước Lễ, rau củ quả an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, các thực phẩm chức năng như chè dưỡng sinh, táo đỏ, mật ong, cà gai leo, các loại sữa...,
Hà Nội sẽ có từ 5 đến 9 trung tâm thiết kế sáng tạo sản phẩm làng nghề
Triển lãm trưng bày sản phẩm nông sản an toàn, sản phẩm OCOP của các làng nghề Hà Nội là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản sạch đến với người tiêu dùng, tìm kiếm cơ hội đầu ra cho sản phẩm; đồng thời để các chủ thể cũng biết đến nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng mà dần cải tiến bao bì mẫu mã, nâng cao chất lượng, hiệu quả cũng như thương hiệu của sản phẩm làng nghề.