Đại biểu Nguyễn Thị Lan Hương chất vấn, hiện nay, số lao động đã qua đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giải pháp của thành phố để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế.
Chất vấn, giải trình phải rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm
Trả lời chất vấn của đại biểu, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, thành phố đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh công tác đào nghề gắn với doanh nghiệp, gắn đào tạo với giải quyết việc làm. Doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị, nguyên liệu, vật liệu, công nghệ cho các cơ sở trong quá trình đào tạo, tham gia xây dựng, chỉnh sửa chương trình, giáo trình đào tạo.
Ủy ban nhân dân thành phố đã định hướng phát triển 6 trường cao đẳng chất lượng cao thuộc thành phố gắn với các ngành nghề mũi nhọn, nghề trọng điểm theo xu hướng của thị trường trong nước và quốc tế như: công nghiệp vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo; công nghiệp chế tạo khuôn mẫu, cơ khí chính xác, cơ điện tử, tự động hóa; công nghiệp vật liệu mới, vật liệu kỹ thuật công nghệ cao, các ngành nghề thuộc các khu vực dịch vụ hay nông nghiệp khác như: thương mại, du lịch, khách sạn-nhà hàng, dịch vụ tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; ngành nghề nông nghiệp, sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm ứng dụng công nghệ cao; ngành, nghề y sinh học, điện tử y sinh, công nghiệp dược; chế biến dược liệu, hóa dược-mỹ phẩm; công nghệ sinh học; hóa dược-dược phẩm; chăm sóc sắc đẹp…
Thành phố chú trọng phát triển các ngành nghề theo nhu cầu xã hội, mở rộng ngành nghề đào tạo mới phù hợp nhu cầu của thị trường lao động.