Hà Nội có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu

Sáng 21/4, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" tổ chức hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ.
0:00 / 0:00
0:00
Diện mạo nông thôn Hà Nội ngày càng khang trang.
Diện mạo nông thôn Hà Nội ngày càng khang trang.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình số 04…

Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ, mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đến năm 2022, thành phố đã có 23/33 chỉ tiêu vượt, hoàn thành hoặc bảo đảm lộ trình của kế hoạch.

Cụ thể, có tám chỉ tiêu vượt kế hoạch, 10 chỉ tiêu đạt kế hoạch, hai chỉ tiêu cơ bản hoàn thành kế hoạch và ba chỉ tiêu dự kiến bảo đảm lộ trình kế hoạch.

Hà Nội đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 71% so với mục tiêu chương trình; 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Hà Nội có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 1

Các đại biểu tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP bên thềm hội nghị. (Ảnh: Văn Lúa)

Dự kiến đến hết năm 2023, thành phố có tổng số 53 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bốn huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Tốc độ giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân hàng năm 3,03%, đạt và vượt so chỉ tiêu kế hoạch.

Cũng trong nửa nhiệm kỳ qua, Hà Nội đã huy động gần 46.780 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giúp khu vực nông thôn hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo đà cho phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 cũng chỉ rõ những hạn chế. Đó là trong số 33 chỉ tiêu chương trình đặt ra cho cả giai đoạn, theo lộ trình thực hiện năm 2022 hiện vẫn còn 10 chỉ tiêu chưa hoàn thành.

Đáng chú ý chỉ tiêu thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Hà Nội đến hết năm 2022 mới đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, trong khi kế hoạch đề ra là 65 triệu đồng. Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới đạt 40% (kế hoạch 50%); tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia mới đạt 66,8% (kế hoạch 79%)…

Thành ủy Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai từ nay đến hết nhiệm kỳ là tập trung hoàn thiện xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026; Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026; Đề án nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025…

Hà Nội có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu ảnh 2

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Văn Lúa)

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới có ý nghĩa to lớn và thời gian thực hiện lâu dài, có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc. Các địa phương, đơn vị tập trung tuyên truyền thực hiện chính sách “tam nông” trong giai đoạn hiện nay, đó là: “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải gắn với bảo vệ các giá trị, bản sắc văn hoá dân tộc cao đẹp. Quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội nông thôn cần chú trọng phát triển hài hoà, đồng bộ cả nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, gắn với cơ cấu lại lao động, tạo sinh kế, việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho nông dân và cư dân nông thôn. Ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương.

Đối với năm huyện thực hiện đề án phát triển thành quận, cần tập trung chỉ đạo, rà soát, tích hợp các tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo tiêu chí đô thị; tập trung phấn đấu có từ 80% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước khi trở thành quận.