Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, năm 2022 và quý I/2023, cơ quan thường trực Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội đã tập trung thẩm định huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả, đến nay thành phố có thêm 63 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tăng 38 xã so với kế hoạch thành phố giao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Năm 2022, thành phố có thêm ba huyện Chương Mỹ, Mê Linh và Phú Xuyên được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới lên 15/18 huyện, thị xã. Trong ba huyện còn lại có hai huyện Ứng Hòa và Ba Vì đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ thẩm định, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Huyện Mỹ Ðức cơ bản đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ để Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới thành phố thẩm định trong tháng 3/2023.
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình số 04 từ năm 2021 đến quý I/2023 hơn 42.900 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động ngoài ngân sách lên tới gần 2.600 tỷ đồng, chiếm 6,1% tổng nguồn vốn huy động. Ðáng chú ý, đời sống của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đạt hơn 56,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn 0,17%, trong đó có năm huyện không còn hộ nghèo gồm: Ðan Phượng, Ðông Anh, Hoài Ðức, Gia Lâm và Thanh Trì.
Phần lớn các hộ dân có nhà ở kiên cố, khang trang… Thành phố có 1.695 trang trại, 1.871 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng…, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân khu vực nông thôn.
Bên cạnh kết quả đạt được, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Ðại nhận định, còn không ít hạn chế trong nông nghiệp, nông thôn như chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường; khả năng tiếp cận nước sạch của người dân, nhất là ở cao, vùng sâu, vùng xa.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị nông sản còn nhiều vướng mắc, chưa thu hút được doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất còn hạn chế, chưa hướng về cơ sở và phù hợp với điều kiện thực tế của nông dân…
Tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU quý I/2023 về việc thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2023 và cả nhiệm kỳ 2020-2025; thảo luận một số cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình biểu dương, đánh giá cao những kết quả xây dựng nông thôn mới quý I/2023. Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chỉ rõ không ít hạn chế, như nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư hạ tầng sản xuất, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn xây dựng nông thôn mới còn thấp…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các huyện, thị xã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt mục tiêu năm 2023 ba huyện cuối cùng gồm Ứng Hòa, Ba Vì và Mỹ Ðức đạt chuẩn nông thôn mới; năm huyện gồm Ðan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Ðông Anh và Thanh Oai đủ tiêu chuẩn đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm huyện thực hiện đề án phát triển lên quận khẩn trương rà soát các tiêu chí, phấn đấu cuối năm 2023 phải có tối thiểu hai huyện hoàn thiện hồ sơ báo cáo thành phố ■