Hà Nội cần xây dựng bản đồ đánh giá phân vùng chi tiết hoạt động của động đất

NDO - Để giảm thiểu những thiệt hại do động đất gây ra,Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, Hà Nội cần làm làm bản đồ đánh giá phân vùng chi tiết hoạt động động đất, lắp đặt một số thiết bị quan sát rung lắc.
0:00 / 0:00
0:00
Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra tại huyện Mỹ Đức ngày 25/3.
Bản đồ tâm chấn trận động đất xảy ra tại huyện Mỹ Đức ngày 25/3.

Liên quan trận động đất xảy ra tại huyện Mỹ Đức (Hà Nội) vào lúc 8 giờ 5 phút 35 giây, ngày 25/3, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết, nguyên nhân do ở khu vực Hà Nội có một số đới đứt gãy sinh chấn đang hoạt động như sông Hồng, sông Chảy.

Thông thường, những trận động đất có độ lớn dưới 5 được xem là trận động đất nhỏ, rất ít khi gây rủi ro thiên tai.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh lưu ý, thời gian qua, có một số trận động đất xảy ra ở xa như tại: Lai Châu, Trung Quốc, Lào có ảnh hưởng đến Hà Nội. Nhưng trận động đất sáng 25/3 trực tiếp xảy ra tại Hà Nội. Do đó, Hà Nội cần nhớ nguy cơ xảy ra động đất do một số đới đứt gãy sinh chấn vẫn đang hoạt động.

Trong lịch sử khoảng nghìn năm trước, ghi nhận khu vực Hà Nội từng xảy ra những trận động đất mạnh, nhưng không đo được độ lớn.

Hà Nội cần xây dựng bản đồ đánh giá phân vùng chi tiết hoạt động của động đất ảnh 2

Các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu khảo sát, đánh giá hoạt động động đất tại huyện Kong Plong, tỉnh Kon Tum

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra.

Để giảm nhẹ rủi ro động đất trước nguy cơ có thể xảy ra động đất và để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, Hà Nội cần làm làm bản đồ đánh giá phân vùng chi tiết hoạt động động đất và rủi ro động đất. Ngoài ra, cần lắp đặt một số thiết bị quan sát rung lắc trên nhà cao tầng để đánh giá, định lượng các ảnh hưởng của động đất xảy ra.

Theo Viện Vật lý Địa cầu, có thể trận động đất sáng 25/3 chỉ là tiền chấn, sẽ xảy ra trận động đất lớn hơn, hoặc cũng có thể không xảy ra động đất. Quy luật hoạt động của động đất rất khó đoán. Hiện, Viện Vật lý địa cầu tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Theo Quyết định 18/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thì phân loại tác động của động đất có 12 mức cường độ chấn động, trong đó cường độ chấn động IV có dấu hiệu: Động đất cảm nhận thấy bởi nhiều người ở trong nhà; ở ngoài trời bởi ít người. Đây đó có người ngủ tỉnh giấc song không có ai sợ hãi cả. Cửa kính, cửa ra vào, bát đĩa đập kêu lạch cạch. Sàn và tường nhà gỗ kêu cọt kẹt. Bàn ghế đồ đạc bắt đầu rung chuyển. Đồ vật treo đung đưa nhẹ. Nước đựng trong vật hở hơi sóng sánh. Người ngồi trong ô-tô đỗ cảm nhận được động đất.

Cũng trong Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định cấp độ rủi ro thiên tai do động đất. Theo đó, rủi ro thiên tai cấp độ I khi cường độ chấn động trên mặt đất quan trắc được từ cấp V đến cấp VI, xảy ra ở bất kỳ khu vực nào thuộc lãnh thổ Việt Nam