Tới dự có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường cho biết, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 có tổng vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố Hà Nội; thời gian thi công từ năm 2022 đến 2027 (5 năm). Trong đó, chi phí giải phóng mặt bằng hơn 5.000 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị hơn 2.947 tỷ đồng.
Đoạn quốc lộ 6 được nâng cấp, mở rộng có chiều dài 21,7km, bắt đầu từ nút giao Ba La (quận Hà Đông) đến thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ), tiếp giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Mặt cắt đường hiện có rộng 6 đến 10m sẽ được mở rộng lên từ 50 đến 60m, tương đương bốn đến sáu làn xe. Trên tuyến có bảy cầu đường bộ và một cống hộp; bốn nút giao chính gồm nút giao Ba La (giao với quốc lộ 21B), nút giao với đường Vành đai 4, nút giao với đường trục bắc-nam và nút giao với quốc lộ 21. Trong đó, nút giao Ba La được thiết kế đồng mức, ba nút giao còn lại thiết kế khác mức.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối với quốc lộ 21A, đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô đang được triển khai. Dự án hoàn thành sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, góp phần phát triển kinh tế-xã hội cho quận Hà Đông, huyện Chương Mỹ nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung. Đồng thời, tuyến đường sẽ tăng cường liên kết, giao thương giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu) và nước bạn Lào.
Để bảo đảm dự án hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và chất lượng, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp các sở, ban, ngành thành phố, các nhà thầu thi công, các đơn vị tư vấn quản lý dự án đúng quy định; tuân thủ chặt chẽ trình tự, quy trình, quy phạm kỹ thuật và bảo đảm chất lượng, tiến độ đề ra. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh; bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Công an thành phố phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư tổ chức giao thông để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong quá trình thi công; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân tại khu vực dự án; quản lý chặt chẽ chất lượng công trình theo đúng quy định.
Các quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ phối hợp, triển khai ngay giải phóng mặt bằng... đồng thời, bảo đảm an ninh trật tự trong khu vực thi công, tuyên truyền tích cực để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân chung quanh khu vực dự án.