Trước đó, UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt dự án cải tạo Quốc lộ 6 với tổng kinh phí hơn 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách. Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 6 có chiều dài 21,7 km, bắt đầu từ nút giao Ba La (Hà Đông) - đến thị trấn Xuân Mai (Chương Mỹ). Từ mặt cắt đường hiện có rộng từ 6 đến 10m, tuyến đường sẽ được nâng cấp, mở rộng đến 60m, tương đương 4-6 làn xe.
Dự án có thời gian thi công từ năm 2022 đến 2027 (5 năm), tổng mức đầu tư là hơn 8.100 tỷ đồng, vốn ngân sách TP Hà Nội và ngân sách Trung ương hỗ trợ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội được giao làm chủ đầu tư. Dự kiến sang quý IV/2022 sẽ khởi công dự án.
Tuyến đường quốc lộ 6 có vận tốc thiết kế 80 km/giờ. Toàn tuyến có 4 nút giao, gồm nút giao Ba La (giao với quốc lộ 21B); Nút giao với đường Vành đai 4; Nút giao với đường trục bắc-nam; Nút giao với Quốc lộ 21A. Trong đó, nút giao Ba La được thiết kế đi bằng, điều khiển bằng đèn tín hiệu và vạch sơn dẫn hướng.
Khó khăn lớn nhất của dự án là công tác giải phóng mặt bằng, trong 8.100 tỷ đồng đầu tư cho dự án thì có đến hơn 5.000 tỷ đồng dành cho giải phóng mặt bằng. “Sau khi UBND thành phố phê duyệt dự án, phạm vi, mặt cắt tuyến đường đã được xác định, chủ đầu tư và tư vấn sẽ khảo sát, lên phương án giải phóng mặt bằng từng khu vực, vị trí cụ thể”, đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội thông tin.
Quốc lộ 6 đoạn tuyến qua Ba La-Xuân Mai là một trong những tuyến đường quan trọng tại cửa ngõ phía Tây TP Hà Nội, mở ra thông đạo kết nối Hà Nội với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Mặt khác, nó còn là tuyến đường cắt với Quốc lộ 21B, đường mòn Hồ Chí Minh (Quốc lộ 21A); song song nhưng kết nối chặt chẽ với Đại lộ Thăng Long, tạo nên một vòng cung đi tránh khu vực trung tâm, phân giải áp lực giao thông cho nội đô TP Hà Nội. Vai trò của đoạn tuyến Quốc lộ 6 là cực kỳ quan trọng với khu vực tây-nam Hà Nội.
Tuy nhiên, lòng đường hiện trạng của đoạn tuyến mới chỉ đủ chỗ cho hai làn ô-tô ngược chiều, xe máy, xe đạp phải luồn lách tìm kẽ hở lưu thông; vỉa hè đoạn có, đoạn không. Cùng với đó, mặt đường đã xuống cấp nặng nề trên nhiều đoạn trong khi lưu lượng phương tiện gia tăng quá nhanh, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; đồng thời làm chậm cho sự phát triển của các địa phương dọc tuyến đường.