Hà Nam thực hiện kết nối cung-cầu hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động

NDO - Theo số liệu thống kê năm 2023, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 22.111 vị trí việc làm. Tuy nhiên, việc tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, đặc biệt là lao động kỹ thuật có tay nghề. Để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác kết nối cung-cầu lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động tham gia phỏng vấn tìm việc làm trực tiếp với đại diện các công ty tại phiên giao dịch việc làm.
Người lao động tham gia phỏng vấn tìm việc làm trực tiếp với đại diện các công ty tại phiên giao dịch việc làm.

Doanh nghiệp khó tuyển đủ lao động

Qua tìm hiểu thực tế tại các doanh nghiệp trên địa bàn, tỉnh đang thiếu lao động thuộc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, cung-cầu thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang bị mất cân đối: doanh nghiệp cần tuyển nhiều lao động nam hơn nữ, trong khi nhu cầu tìm việc của lao động nữ lại nhiều hơn nam, nhu cầu tuyển lao động phổ thông của doanh nghiệp cao gấp 1,3 lần nhu cầu tìm việc của lao động. Vì vậy, các doanh nghiệp có nhiều ưu đãi, nhưng vẫn không tuyển đủ lao động.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Tề, Tổng Giám đốc Công ty may Tứ Hải Hà Nam chia sẻ: Nhu cầu tuyển dụng của công nhân ngành may liên tục và thường xuyên. Lao động chưa có nghề, nếu đáp ứng được yêu cầu về sức khỏe và thời gian cũng được công ty tuyển dụng, rồi bố trí bộ phận kỹ thuật đào tạo và hỗ trợ lương cho công nhân khi thành thục được nghề. Do công ty chúng tôi là công ty may, nên chúng tôi có thể tuyển cả lao động nam và nữ, nên việc tuyển dụng cũng đỡ áp lực hơn.

Nhiều công ty có công việc đặc thù cần tuyển dụng nhiều công nhân nam hoặc nữ thì việc tuyển dụng cũng đang gặp khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó trưởng phòng nhân sự Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thaco Auto Hà Nam cho biết: Doanh nghiệp liên quan đến phục vụ khách hàng về ô-tô nên yêu cầu đưa ra với người lao động là cũng phải hoàn thiện kỹ năng và trình độ; hơn nữa nhiều lao động đã có tay nghề trong tay thì họ cũng có nhiều sự lựa chọn nên chúng tôi cũng có chút khó khăn hơn trong vấn đề tuyển dụng.

Hà Nam thực hiện kết nối cung-cầu hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động ảnh 1

Nhiều lao động tham gia phiên giao dịch việc làm.

Được biết để hoàn thành chỉ tiêu tạo thêm việc làm mới cho 20.000-23.000 lượt lao động trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các ngành nghề nhằm tạo thêm việc làm mới, giải quyết việc làm tại chỗ cho người lao động.

Theo đó, cùng với tăng cường tuyên truyền, giúp người dân nắm rõ các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh trong lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, tỉnh Hà Nam tiếp tục ưu tiên giải quyết việc làm cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động đi xuất khẩu lao động trở về nước, lao động đã chấp hành xong hình phạt tù; chú trọng đào tạo theo địa chỉ để phát triển nguồn lao động có trình độ chuyên môn, có năng lực nghề nghiệp, đáp ứng quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị sử dụng lao động…

Đa dạng các hình thức tuyển dụng lao động

Với vai trò là cầu nối gắn kết doanh nghiệp với người lao động, góp phần giải quyết việc làm giúp người lao động có được việc làm nhanh chóng và hiệu quả, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội; phối hợp với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển trên thị trường lao động đặc biệt là tích cực tổ chức hàng loạt các phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến đã mang lại hiệu quả cao trong việc kết nối cung cầu lao động giúp người lao động tìm kiếm được việc làm nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

Từ đầu năm đến nay Trung tâm đã tổ chức thành công 19 phiên giao dịch việc làm tại đơn vị và lưu động. Qua đó, đã có hơn 13 nghìn lao động trên địa bàn tỉnh đã được giải quyết việc làm mới, trong đó gần 7 nghìn lao động nữ, số người được xuất khẩu lao động là gần 1 nghìn người.

Có mặt từ rất sớm để tham dự phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam, anh Trần Văn Thành, huyện Thanh Liêm chia sẻ: Tôi cũng đã tham gia dự tuyển lao động ở nhiều nơi, nhưng tại đây tôi thấy có khá nhiều doanh nghiệp có mặt trực tiếp tư vấn việc làm cho chúng tôi, qua đó thấy được bản thân phù hợp với công việc nào, nên chọn việc nào để lựa chọn. Nếu không thể tìm được việc làm ngay tại phiên giao dịch, người lao động vẫn có thể tham gia tìm kiếm việc làm online trên hệ thống các trang thông tin điện tử, mạng xã hội của Trung tâm.

Hà Nam thực hiện kết nối cung-cầu hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động ảnh 2

Phiên giao dịch việc làm trực tuyến được Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam tổ chức.

Tham dự phiên giao dịch việc làm trực tuyến được Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam tổ chức kết nối với 13 tỉnh thành phố khu vực phía bắc như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Hưng Yên; người lao động được tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp với bản thân tham gia phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Phiên giao dịch vừa hỗ trợ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng được lao động phù hợp đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh và cũng là cơ hội cho người lao động ở Hà Nam tìm được việc làm mong muốn.

Chị Nguyễn Thị Hiền, phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý cho biết: Tôi thấy phiên giao dịch việc làm này rất tốt đối với người lao động như chúng tôi, giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian và tìm được công công việc phù hợp với trình độ của mình cần giới thiệu việc làm tỉnh.

Tỉnh Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 80 nghìn lao động. Ngoài ra số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp khoảng bốn mươi nghìn lao động, nếu lấy lực lượng lao động tại chỗ của Hà Nam thì sẽ rất khó khăn.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Nam cho biết: Trung tâm thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định tại trung tâm vào các ngày 15 hằng tháng kể cả thứ bảy, chủ nhật; tổ chức các phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh trong khu vực, chúng tôi hướng tới tất cả các đối tượng là lao động trên địa bàn tỉnh để kết nối cung-cầu lao động cho các doanh nghiệp.

Tỉnh Hà Nam hiện có 8 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút hơn 80 nghìn lao động. Ngoài ra số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp khoảng bốn mươi nghìn lao động, nếu lấy lực lượng lao động tại chỗ của Hà Nam thì sẽ rất khó khăn. Vì vậy việc tuyển dụng qua hình thức phiên giao dịch online đã giúp cho các công ty có thể tuyển dụng được nhiều lao động ở những tỉnh xa.

Để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm tốt công tác kết nối cung-cầu lao động; thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông”; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất hiện đại, sử dụng lao động có tay nghề vào làm việc.