Theo thông báo, đến 10 giờ ngày 10/9, mực nước sông Đáy đã đạt mức 4,32m vượt mức báo động 3. Như vậy, nếu tiếp tục duy trì mức tăng này thì mực nước sông Đáy sẽ vượt cao so với dự báo. Mực nước trên sông Hồng đo tại khu vực cầu Yên Lệnh (Duy Tiên) tầm 10 giờ ngày 10/9 là 5,77m (vượt báo động 1 và vẫn tiếp tục tăng nhanh).
Cảnh báo, từ nay đến ngày 13/9, trên sông Hồng tại Hưng Yên có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2.
Hiện tại, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đều đã xây dựng, triển khai phương án ứng phó với mưa, lũ.
Các chiến sĩ công an tỉnh Hà Nam giúp nhân dân vận chuyển đồ đạc để tránh nước ngập. |
Tới nay, đã có hàng nghìn hộ dân thuộc các xã ven sông Đáy, sông Châu trên địa bàn thành phố Phủ Lý, huyện Thanh Liêm và Lý Nhân, thị xã Duy Tiên bị ngập lụt do nước sông dâng cao.
Ngay sau bão số 3, lực lượng công an, quân đội của tỉnh Hà Nam đã tập trung lực lượng về các địa phương giúp nhân dân khắc phục kịp thời hậu quả của mưa lũ.
Ngày 10/9, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã đi kiểm tra một số công trình đê điều và khu dân cư bị ảnh hưởng bởi mưa bão trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Thị Thủy đến các khu dân cư đang bị ngập lụt do mưa lũ để thăm hỏi, động viên người dân. |
Kiểm tra thực tế tình hình ngập úng tại một số hộ dân trên địa bàn thôn Lê Lợi, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, cả thôn có khoảng hơn 480 hộ dân với hơn 1.100 nhân khẩu, trong đó có khoảng 16 hộ gia đình bị ảnh hưởng ngập sâu.
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng hỗ trợ các gia đình di chuyển đến những địa điểm cao hơn, có phương án chuẩn bị sẵn sàng chỗ ở cho người dân trong tình huống cấp thiết như: trường học, nhà văn hóa, một số nhà cao tầng.
Đồng chí Lê Thị Thủy yêu cầu thành phố quan tâm tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ cùng với Phù Vân; khẩn trương di dời các hộ dân của thôn Lê Lợi bị ngập sâu, bảo đảm an toàn tính mạng và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của người dân.
Kiểm tra tuyến đê xung yếu thuộc địa bàn xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền huyện Kim Bảng và xã Ngọc Sơn duy trì ứng trực 24/24 giờ, nhất là theo dõi sát sao những khu vực xung yếu, trọng điểm, cần thiết sửa chữa, gia cố kịp thời tránh xói mòn, nước thẩm lậu qua thân đê và sẵn sàng lực lượng, phương tiện hỗ trợ, di dời người dân và tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn khi nước trên sông Đáy tiếp tục dâng cao.
Nhiều khu dân cư ven sông của tỉnh Hà Nam đang bị ngập nặng. |
Tại huyện Thanh Liêm, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã đến kiểm tra khu vực dân cư dọc tuyến đê thuộc địa bàn thôn Mỹ Tho, xã Thanh Thủy và tiểu khu Châu Giang, thị trấn Kiện Khê. Hiện nay, mực nước sông Đáy đang dâng cao, có khoảng 6.000 hộ trong khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, ảnh hưởng và thiệt hại nhiều nhất.
Đồng chí đề nghị huyện dừng các cuộc họp chưa cần thiết để tập trung phòng, chống lụt bão; đồng thời, huy động toàn bộ lực lực công an, bộ đội và đoàn viên thanh niên ứng trực 24/24 giờ kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra; bám sát tình hình lũ trên sông Đáy, huy động toàn bộ hệ thống bơm tiêu úng trên địa bàn khi cần thiết; khẩn trương triển khai phương án chống tràn bảo vệ các hộ dân của Thanh Liêm, đặc biệt, người dân vùng tây Đáy...
Đối với các khu dân cư bị ngập sâu, yêu cầu chính quyền địa phương thống kê toàn bộ số hộ bị ảnh hưởng, chuẩn bị tốt phương án di dời và chuẩn bị các địa điểm công cộng như: Nhà văn hóa, trường học... để di dân khi nước lũ tiếp tục dâng cao; phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ để hỗ trợ di dời dân; chuẩn bị đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ di dời dân đến nơi an toàn.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ người dân bảo đảm đời sống trong thời gian nước lũ dâng cao.
Đồng thời, cũng tăng cường thông tin về tình hình mưa lũ đến người dân; vận động nhân dân chủ động các phương án phòng, chống ngập úng; nghiêm túc thực hiện di dời người và tài sản đến nơi an toàn theo chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp.
Hàng trăm ha chuối của người dân tại huyện Lý Nhân bị gãy đổ. |
Do ảnh hưởng của bão số 3, tổng diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả của tỉnh Hà Nam bị ảnh hưởng là 8.433,6ha, trong đó: Diện tích lúa 7.798,6ha; diện tích cây rau màu 432ha; diện tích cây ăn quả 203ha chủ yếu là chuối.
Ngày 10/9, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng chống, khắc phục mưa, lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Đồng chí Nguyễn Anh Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân chỉ đạo: Công tác phòng chống, khắc phục mưa, lũ là nhiệm vụ chung của tất cả các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, không phải của riêng cá nhân, đơn vị nào. Vì thế, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh lưu ý các sở, ngành, địa phương cần chủ động, tích cực hơn nữa trong việc bố trí đủ nhân lực, vật lực; đặc biệt cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với nhau, thường xuyên chia sẻ thông tin, cập nhật kịp thời tình hình mưa, lũ, sẵn sàng hỗ trợ khi có tình huống xảy ra.
Lực lượng công an về cơ sở giúp nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa bão. |
Các huyện, thị xã, thành phố, cần có phương án chuẩn bị một số nhu yếu phẩm thiết yếu, sẵn hỗ trợ những gia đình, người dân khi nhà cửa bị ngập úng.
Với ngành giáo dục, cần nắm bắt thông tin tình hình nước lũ để chỉ đạo cho học sinh nghỉ học trong trường hợp không bảo đảm an toàn; ngành giao thông tăng cường tuần tra, kiểm soát, có kế hoạch phân luồng giao thông, nghiêm cấm thuyền, đò di chuyển tại một số vị trí nguy hiểm để bảo đảm an toàn.
Ngành điện lực chủ động bảo đảm nguồn điện ổn định cho sản xuất, sinh hoạt, nhất là cho các trạm bơm hoạt động, thực hiện cắt điện ở những khu vực bị ngập úng để bảo đảm an toàn cho người dân.
Ngành nông nghiệp thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương kiểm tra hệ thống đê, bối dọc các sông để có dự báo sớm và chủ động phương án ứng phó; thực hiện chế độ báo cáo tình hình nước lũ 2 giờ/lần; tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về tình hình mưa, lũ cho các sở, ngành, địa phương.
Các ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền khuyến cáo người dân có phương án tích trữ nước sạch, đề phòng trường hợp nhà máy nước gặp sự cố phải ngừng hoạt động; kiểm tra, theo dõi tình hình các dự án đang triển khai để bảo đảm an toàn; chú ý triển khai các phương án phòng, chống ngập úng tại các khu công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Châu Sơn, Khu công nghiệp Đồng Văn I, Đồng Văn II…
Đối với việc khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, các địa phương cần sớm có phương án khắc phục nhanh, phù hợp, hiệu quả.