Hà Nam tạo sự đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

Thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030; tỉnh Hà Nam đã xây dựng Đề án và thực hiện quy trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; lấy ý kiến cử tri về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025.
Kỳ họp Đảng ủy mở rộng xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng bàn về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.
Kỳ họp Đảng ủy mở rộng xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng bàn về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố, 1 thị xã, 4 huyện) và có 109 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 83 xã, 20 phường, 6 thị trấn). Căn cứ tiêu chí quy định tại Nghị quyết 35, giai đoạn 2023-2025, tỉnh Hà Nam không có đơn vị hành chính cấp huyện phải sắp xếp, mà chỉ có một số đơn vị hành chính cấp xã phải thực hiện sắp xếp.

Cụ thể giai đoạn 2023-2025, có 13 phường, xã phải thực hiện sắp xếp do không bảo đảm tiêu chí gồm: 4 phường, 9 xã. Trong đó, có 2 xã chưa thực hiện sắp xếp do yếu tố đặc thù là xã Tiên Ngoại, thị xã Duy Tiên và 1 xã đề nghị thực hiện sắp xếp vào giai đoạn 2026-2030 là xã Thụy Lôi, huyện Kim Bảng. Ngoài ra, còn 8 xã liền kề liên quan đến sắp xếp. Như vậy, tỉnh Hà Nam có 19 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp.

Sau sắp xếp, tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố; 2 thị xã và 3 huyện); 98 đơn vị hành chính cấp xã (65 xã; 29 phường và 4 thị trấn), giảm so với trước 11 đơn vị hành chính cấp xã.

Để hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính theo đúng lộ trình, tiến độ đề ra, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Hà Nam đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận

Ngay từ khi có chủ trương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính.

Theo đồng chí Nguyễn Tiến Tình, Bí thư phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý, các phường thuộc thành phố Phủ Lý, trong đó có phường Lương Khánh Thiện được hình thành sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi địa giới hành chính để bảo đảm phù hợp với quy hoạch của thành phố. Theo hướng dẫn của Bộ Nội Vụ, chúng tôi tìm lại nguồn gốc cổ ngày trước của phường Lương Khánh Thiện được đặt tên là “Châu Cầu”, nên từ cấp ủy thành phố đến nhân dân trong phường đồng thuận lấy tên “Châu Cầu” đặt cho phường mới. Đến nay, các quy trình, thủ tục theo yêu cầu cho việc sáp nhập phường, chúng tôi đã hoàn thành theo đúng quy định.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ, công chức của phường cũng lo ngại là sau khi sắp xếp đến 4 phường lại thì số cán bộ dôi dư khá lớn, điều đó đã tạo tâm tư lo ngại cho đội ngũ cán bộ đang công tác tại các phường, nhất là đối với đội ngũ cán bộ không chuyên trách đang làm việc tại đây.

Khi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức trong phường, chúng tôi cũng đã kịp thời báo cáo đề xuất lên cấp trên, đồng thời có các phương án xử lý, sắp xếp phù hợp, đồng thời động viên, ổn định tư tưởng của anh em và vẫn tiếp tục triển khai các công việc hàng ngày, thường xuyên của phường như việc bảo đảm các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của năm 2024; bảo đảm kế hoạch thu ngân sách; thành lập Tiểu ban của Đại hội đảng vào năm 2025...

Sau khi sáp nhập, 2 xã Nhật Tân và Nhật Tựu của huyện Kim Bảng lại thành phường Tân Tựu để phù hợp với tiêu chí thành lập thị xã Kim Bảng trong thời gian tới, khi mới đưa ra người dân trong xã cũng có nhiều tâm tư.

Đồng chí Vũ Văn Thường, Bí thư đảng ủy xã Nhật Tựu cho biết: xã Nhật Tựu có dân số và diện tích rất nhỏ với 4 thôn, xóm, hơn 4.000 người dân nên không đủ để thành lập xã, phường so với quy định mới của Bộ Nội vụ. Trong quá trình triển khai lấy ý kiến của nhân dân tại các thôn, xóm chúng tôi cũng nhận được nhiều tâm tư của một số người cao tuổi về việc đặt tên cho xã khi sáp nhập, để giữ được những nét văn hóa, truyền thống riêng có từ lâu đời của quê hương. Chúng tôi đã phân tích thấu tình, giữa việc thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định chung của nhà nước trên tinh thần là vì cái lớn, cái đại cục mà vẫn bảo đảm được những cái riêng của quê hương mình.

Hà Nam tạo sự đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ảnh 1

Bộ phận một cửa xã Nhật Tân, huyện Kim Bảng.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt, Bí thư chi bộ thôn 1 xã Nhật Tân cho biết: Khi mới có chủ trương của nhà nước về việc sáp nhập 2 xã, Nhật Tân và Nhật Tựu thì nhân dân chúng tôi cũng rất băn khoăn về việc chúng tôi đang là người dân Nhật Tân từ bao đời nay, không muốn có sự thay đổi trong cuộc sống... Tuy nhiên, các cán bộ, đảng viên trong thôn, ngoài xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, người dân cũng đã thấu hiểu được các chủ trương của đảng, quy định chung mới của Nhà nước về diện tích, dân số, rồi quy mô phường, xã nên nhân dân hiểu ra và đồng thuận thực hiện.

Để tạo được sự hài hòa, hữu hảo của nhân dân hai địa phương khi được sáp nhập, huyện Kim Bảng đã gợi mở việc lấy tên phường mới là Tân Tựu. Và khi phương án này được đưa ra, người dân trong thôn đã đồng tình.

Sau sắp xếp không ảnh hưởng đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp

Đồng chí Đỗ Hồng Hà, Phó Giám đốc Sở Nội Vụ tỉnh Hà Nam cho biết: Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, ngoài việc điều chỉnh 1 phần diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính này để hình thành 1 đơn vị hành chính mới, còn phải thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính với nhau để hình thành một đơn vị hành chính mới. Vì vậy, chúng tôi đã cùng các địa phương triển khai rất nhiều các nội dung, từ tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, đến trụ sở, tài sản công; các chính sách đặc thù; việc thực hiện chế độ, chính sách theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; việc công nhận các chuẩn nông thôn mới; công nhận danh hiệu; phân loại đơn vị hành chính; đối với đơn vị hành chính sau sắp xếp và chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức….

Đến nay, tất cả các nội dung trên đã được cụ thể hóa về thời gian, nội dung, phương thức, cơ quan thực hiện trong Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của tỉnh trình Chính phủ và Ủy Ban thường vụ Quốc hội, để sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn các công việc diễn ra được thuận lợi, không làm ảnh hưởng quá lớn đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, sẽ thực hiện các phương án sau: giải quyết chế độ nghỉ hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội; nghỉ thôi việc ngay. Giải quyết nghỉ chế độ theo Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội và theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế. Cùng với đó, điều chuyển cán bộ, công chức còn đủ tuổi, có trình độ, năng lực đến công tác tại các đơn vị khác còn khuyết chức vụ, chức danh hoặc còn thiếu cán bộ, công chức trong các tổ chức của hệ thống chính trị ở cấp xã; tiếp nhận, tuyển dụng vào công chức cấp tỉnh, cấp huyện nếu đủ điều kiện và trình độ chuyên môn phù hợp.

Ngoài các quy định để giải quyết nghỉ hưu, thôi việc, nghỉ chế độ và nghỉ tinh giản biên chế, đối với cán bộ, công chức cấp xã, viên chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư còn được hưởng chính sách hỗ trợ nghỉ công tác do sắp xếp đơn vị hành chính của địa phương theo Nghị quyết 01/2024/NQ- HĐND ngày 15/5/2024 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Nam.

Việc sắp xếp, bố trí cán bộ không đơn thuần mang tính cơ học mà phải có sự sàng lọc, nâng cao chất lượng. Về lâu dài, khi được sáp nhập thành xã rộng hơn, quy mô dân số lớn hơn, để đạt được sự tín nhiệm của đông đảo đảng viên và cử tri, mỗi cán bộ, công chức xã đều phải cố gắng học tập nâng cao trình độ, năng lực công tác để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Hà Nam tạo sự đồng thuận trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã ảnh 2

Đoàn công tác của Bộ Nội vụ khảo sát việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 tại Hà Nam.

Đến thời điểm này, các công việc được các sở, ban ngành, các địa phương trong tỉnh Hà Nam thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Sau sáp nhập các đơn vị hành chính sẽ có sự thay đổi về giấy tờ tùy thân của công dân. Để bảo đảm sự thuận lợi cho người dân, tỉnh Hà Nam chỉ đạo các cơ quan chức năng, các địa phương có phương án xử lý. Theo đó, sau khi thành lập đơn vị hành chính mới sẽ khẩn trương thay đổi giấy tờ cho người dân. Trong thời gian thay đổi giấy tờ, mọi giấy tờ giao dịch dân sự, hành chính của công dân với giấy tờ cũ vẫn được chấp nhận, không gây ảnh hưởng tới các thủ tục và các giao dịch này... Với những phương án cụ thể đã được chuẩn bị, các cơ quan công an, tư pháp, ngành chức năng có liên quan… đều sẽ tạo thuận tiện cho việc giải quyết vấn đề này.