Hà Nam: Hiệu quả thiết thực từ chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy”

NDO - Thực hiện chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam về tăng cường công tác quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo, Công an thành phố Phủ Lý đã triển khai chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”; nhằm hỗ trợ các hộ gia đình trang bị bình chữa cháy, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
0:00 / 0:00
0:00
Công an phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý đổi vũ khí lấy bình chữa cháy do người dân giao nộp.
Công an phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý đổi vũ khí lấy bình chữa cháy do người dân giao nộp.

Ngay khi triển khai, chương trình đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân tham gia, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Qua các buổi tuyên truyền pháp luật, vận động quần chúng của các cán bộ, chiến sĩ Công an, ông Hoàng Văn Ngạn, người dân phường Thanh Tuyền, thành phố Phủ Lý đã ý thức được sự nguy hiểm khi cất giữ súng tự chế trong nhà và tự giác giao nộp cho lực lượng Công an.

Tại đây, ông Ngạn rất phấn khởi khi vừa đổi được vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, lại còn nhận được bình chữa cháy của cơ quan Công an trao tặng.

Ông Ngạn chia sẻ: Tôi đã yêu cầu tất cả mọi thành viên trong gia đình cùng các con, các cháu nếu có sử dụng vũ khí như trên thì giao nộp lại cho công an phường. Vì tôi đã nhận thức được đây là một vấn đề rất nguy hại, nếu chúng ta không kiểm soát được thì gây ảnh hưởng đến tính mạng và gây mất trật tự an ninh xã hội.

Thực hiện đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo, chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy”, Công an phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các hộ gia đình, công dân trên toàn địa bàn phường chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Thiếu tá Trần Huy Toản, Phó Trưởng Công an phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam cho biết, chương trình đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của đông đảo người dân. Người dân tự nguyện tham gia đổi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ lấy bình chữa cháy và giao nộp vũ khí thô sơ.

Ngay trong buổi đầu triển khai chương trình, Công an phường Thanh Châu đã tiếp nhận, thu hồi được 5 vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ do người dân trên địa bàn phường giao nộp để đổi lấy bình chữa cháy.

Hà Nam: Hiệu quả thiết thực từ chương trình “Đổi vũ khí, vật liệu nổ lấy bình chữa cháy” ảnh 2

Công an phường Thanh Châu, thành phố Phủ Lý đổi vũ khí lấy bình chữa cháy do người dân giao nộp.

Để thực hiện hiệu quả phong trào “Nhà tôi có bình chữa cháy” cũng như ngăn chặn hiểm họa từ các vũ khí, vật liệu nổ gây ra; lực lượng Công an xã, phường người có uy tín trên địa bàn thành phố Phủ Lý đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; hỗ trợ người dân trang bị “bình chữa cháy” tại nhà để sẵn sàng chữa cháy khi cần thiết, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Đến nay, 100% Công an các phường, xã trên địa bàn đã tăng cường công tác nắm tình hình, địa bàn, nắm hộ, nắm người, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà”.

Sau những ngày đầu triển khai, Công an thành phố Phủ Lý đã vận động, thu hồi 10 vũ khí quân dụng, vũ khí thô sơ và công cụ hỗ trợ các loại; đồng thời trao tặng 10 bình chữa cháy cho người dân trên địa bàn.

Thượng tá Phan Văn Mạnh, Phó Trưởng Công an thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam đánh giá: Qua triển khai chương trình đã nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng ngừa đối với tội phạm liên quan đến vật liệu nổ. Trong thời gian tới, Công an thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đội nghiệp vụ công an phường, xã nhân rộng mô hình này, vừa trang bị bình chữa cháy để phòng, chống cháy nổ trong nhân dân vừa thu được vũ khí, vật liệu nổ đang tàng trữ trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh trật tự chung trên địa bàn thành phố.

Để duy trì và nâng cao hiệu quả vận động, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, ngoài sự nỗ lực của lực lượng công an cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực tham gia, vào cuộc. Khi người dân đồng tình, ủng hộ, tích cực tham gia phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm, tự giác giao nộp, không sử dụng, cất giữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ chính là góp phần mang lại sự bình yên trên địa bàn.