Giai đoạn trước, tỉnh Hà Giang tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước, xây dựng chính quyền điện tử. Trong nhiệm kỳ 2021-2025, tỉnh thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, điều kiện địa hình khó khăn, dân cư sống rải rác nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng viễn thông tại các thôn, xã vùng cao gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.
Để gỡ “nút thắt” về hạ tầng viễn thông vùng cao, tỉnh Hà Giang đã chủ động làm việc, hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT, Viettel, Tập đoàn FPT để huy động các nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng viễn thông cho vùng cao.
Tỉnh Hà Giang khai trương ứng dụng chuyển đổi số du lịch Tripmap. (Ảnh: Mộc Lan) |
Với sự nỗ lực của tỉnh, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp viễn thông và sự quan tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến nay tất cả các xã, phường, thị trấn đã có cáp quang, sóng di động 4G, đường truyền dữ liệu chuyên dùng đến trung tâm. Toàn tỉnh có 2.833 trạm thu phát sóng (BTS), cụ thể có: 734 trạm 2G; 1.010 trạm 3G; 1.086 trạm 4G; 3 trạm 5G. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã mở rộng vùng phủ sóng di động đến 118 thôn vùng cao chưa có sóng di động.
Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang, cho biết, những nỗ lực trong việc hoàn thiện hạ tầng viễn thông của tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sâu rộng, thực chất. Nhận thức của nhân dân về lợi ích, tính cấp thiết của chuyển đổi số được nâng lên, nhiều hoạt động thường ngày đã chuyển vào môi trường số, kể cả ở các huyện, các xã vùng sâu, vùng xa, từng bước bắt kịp xu thế phát triển chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh.
Nổi bật, hiện nay tỉnh Hà Giang triển khai nhiều mô hình, cách làm mới về chuyển đổi số được người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia như: Thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai chợ 4.0; đăng ký tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia; đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao lên sàn thương mại điện tử; các ứng dụng thông minh phục vụ phát triển du lịch.
Mặc dù vậy, hạ tầng viễn thông ở vùng cao Hà Giang vẫn còn nhiều khó khăn. Hiện nay tỉnh vẫn còn 36 thôn vùng cao chưa có sóng di động; nhiều khu vực chất lượng phủ sóng thấp, chưa ổn định; nhiều thôn bản chưa có điện dẫn đến khó khăn trong việc hoàn thành tiêu chí về hạ tầng số. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang và tỷ lệ người dân vùng cao sử dụng điện thoại thông minh còn đạt thấp.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 đề ra đến năm 2025: Phủ sóng di động đến 100% thôn, bản; 75% hộ dân có đường truyền internet; 85% người dân có điện thoại thông minh nhằm hỗ trợ người dân tham gia các nền tảng số.
Người dân Hà Giang ứng dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. (Ảnh: Kim Tiến) |
Để hoàn thành mục tiêu trên, ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang cho biết, tỉnh Hà Giang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp viễn thông nhằm triển khai hiệu quả các thỏa thuận về chuyển đổi số. Tuy nhiên, những thôn bản còn yếu về hạ tầng viễn thông đều ở vùng sâu, đặc biệt khó khăn, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt nên rất khó khăn trong việc đầu tư hạ tầng viễn thông vì đầu tư lớn, doanh nghiệp viễn thông cũng phải tính toán đến khía cạnh hiệu quả sau đầu tư.
Do đó, để Hà Giang hoàn thành các mục tiêu đề ra thì rất cần Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng nguồn quỹ viễn thông công ích hỗ trợ cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phủ sóng di động cho các thôn vùng cao; đồng thời hỗ trợ người dân có máy điện thoại di động thông minh.
Bên cạnh đó, hầu hết các thôn chưa có sóng di động, hầu hết chưa có điện lưới quốc gia, do đó để phủ sóng di động chính quyền địa phương và ngành điện cũng cần quan tâm đầu tư điện lưới đến các thôn vùng sâu.