Góp sức đổi thay vùng quê Anh Sơn

Tròn 60 năm chia tách, huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) đang đổi thay từng ngày. Cùng với những con đường nhựa, đường bê-tông trải dài đến tận từng thôn, dòng vốn tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội 20 năm qua cũng bám rễ sâu rộng trên mảnh đất này, nhận được sự tin tưởng của người dân.
0:00 / 0:00
0:00
Trong 20 năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn đã đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Anh Sơn)
Trong 20 năm qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn đã đã nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. (Ảnh: Trang thông tin điện tử huyện Anh Sơn)

Gia đình bà Nguyễn Thị Phượng ở thôn 10, xã Phúc Sơn (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh rất khó khăn. Chồng mất sớm, một mình bà Phượng tần tảo nuôi bốn người con ăn học. Năm 2014, được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng, bà Phượng đầu tư chuồng trại, chăn nuôi gia súc. Những lứa lợn, bò đầu tiên được xuất chuồng mang lại những khoản thu nhập đáng kể cho gia đình.

Từ những khoản thu này, bà tích cóp đầu tư 2.500m2 diện tích ao nuôi cá, trồng chè công nghiệp. Năm 2017, gia đình bà thoát nghèo. Kinh tế gia đình thêm bền vững khi bà Phượng được tiếp tục vay 50 triệu đồng dành cho những hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Cùng với số tiền tích lũy hằng năm, bà đã nhận thêm 5 héc-ta rừng để trồng keo, mở thêm ki-ốt bán hàng tạp hóa và nay đã có thu nhập cao.

Tương tự, gia đình ông Trương Công Bình ở bản Khe Trằng, xã Thọ Sơn trước đây thuộc diện hộ nghèo của xã, một mình nuôi con nhỏ, thu nhập chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi gà, vịt cho nên kinh tế nhiều khó khăn. Thời điểm đầu năm 2012, ông chỉ dám vay 20 triệu đồng vốn dành cho hộ nghèo đầu tư nuôi bò. Đến năm 2016 gia đình đỡ khó khăn hơn, ông Bình mạnh dạn vay 30 triệu đồng để tiếp tục phát triển đàn bò. Hiện tại, ông đang vay 50 triệu đồng chương trình hộ cận nghèo để chăn nuôi gia súc, trồng keo, mía, sắn,...

Nhờ chăm chỉ làm ăn, kinh tế gia đình ông Bình đã vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu ổn định. “Chính sách cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước đã tạo điều kiện cho gia đình và các hộ nghèo phát triển sản xuất, làm giàu. Ngân hàng Chính sách xã hội thật sự là cầu nối của dân, giúp dân được gần gũi với đồng vốn ưu đãi”, ông Bình cho biết.

Cùng với các chương trình tín dụng, dòng vốn tín dụng chính sách còn được cộng hưởng thêm hiệu quả từ việc triển khai Chỉ thị 40/CT-TW với sự vào cuộc tích cực và sâu rộng hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Cùng với các chương trình tín dụng, dòng vốn tín dụng chính sách còn được cộng hưởng thêm hiệu quả từ việc triển khai Chỉ thị 40/CT-TW với sự vào cuộc tích cực và sâu rộng hơn của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Đặc biệt, ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn tăng lên đạt 10 tỷ đồng, trong đó ngân sách huyện là 2,9 tỷ đồng đã bổ sung thêm nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hằng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội. Đến hết tháng 4/2023, tổng nguồn vốn hoạt động tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn đạt 589 tỷ đồng, tăng 572 tỷ đồng (gấp 37 lần) so với thời điểm đầu hoạt động (năm 2003).

Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư đến tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận một cách thuận lợi, kịp thời. Hơn 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ, huyện Anh Sơn đã tập trung nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay được 63.520 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.678 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 1.161 tỷ đồng; giúp 22.466 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho hơn 10 nghìn hộ thoát nghèo, thu hút tạo việc làm cho hơn 2.000 lao động, giúp cho 12.245 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; hỗ trợ xây mới và cải tạo 21.364 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.312 ngôi nhà cho hộ nghèo,...

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Xuân Cường, kiêm Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn khẳng định: Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm dịch vụ trên địa bàn.

Câu chuyện giảm nghèo, phát triển kinh tế của người dân huyện Anh Sơn giờ không chỉ hướng vào sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ mà còn hướng tới xanh-sạch-tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn vốn chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện hằng năm giảm từ 1-1,5%, toàn huyện hiện có 14 địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 43,7 triệu đồng/năm.

Câu chuyện giảm nghèo, phát triển kinh tế của người dân huyện Anh Sơn giờ không chỉ hướng vào sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ mà còn hướng tới xanh-sạch-tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao. Nhiều mô hình mới đang được nhân rộng như cánh đồng lúa giống mới chất lượng cao; trồng ngô giống mới chuyển đổi gien; liên kết trồng mía giống mới năng suất cao trên đất bãi; sản xuất rau quả trong nhà lưới; chăn nuôi quy mô lớn; xây dựng nông thôn mới gắn với chương trình OCOP. Nhiều nhà máy, dự án hỗ trợ sản xuất dịch vụ nông nghiệp đang theo về theo tiếng gọi đầu tư của huyện, tỉnh hứa hẹn tương lai mới cho phát triển kinh tế huyện Anh Sơn hướng tới phân khúc giá trị gia tăng cao hơn.

Trong xu hướng ấy, tín dụng chính sách tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ đắc lực cho người nghèo và đối tượng chính sách với việc triển khai tín dụng chính sách gắn với chủ trương, định hướng của từnng địa phương về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung ưu tiên vốn đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng như quan tâm đầu tư vốn tín dụng chính sách cho các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút nhiều lao động, phát triển làng nghề, sản phẩm dịch vụ trên địa bàn.

Tính đến hết tháng 4/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Anh Sơn có tổng dư nợ đạt 571 tỷ đồng cho 10.330 hộ vay, dư nợ bình quân 55,3 triệu đồng/hộ. Đây sẽ là điểm tựa để huyện Anh Sơn sớm trở thành huyện “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương lần thứ 5, khóa XIII như Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Nguyễn Đức Trung kỳ vọng.