Gần 66 nghìn lượt gia đình ở Điện Biên thoát nghèo nhờ vốn ngân hàng chính sách xã hội

NDO - Sáng 16/9, UBND tỉnh Điện Biên tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên, trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi.
Đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên, trao Bằng khen của UBND tỉnh tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai chính sách tín dụng ưu đãi.

Sau 20 năm thành lập và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên đã triển khai đưa vốn tới gần 66 nghìn lượt hộ nghèo, góp phần quan trọng xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Ghi nhận đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong triển khai chủ trương đưa vốn đến người nghèo, đã có 30 tập thể và cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên ghi nhận, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của hệ thống chính trị-xã hội, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm đồng hành của 4 tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, giai đoạn 2002-2022, tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện thành công hoạt động tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cả hệ thống đã triển khai, vận hành thành công phương thức quản lý tín dụng đặc thù (ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay qua các tổ chức chính trị-xã hội và ủy nhiệm qua các tổ vay vốn thành lập tại thôn/bản); cách thức tổ chức hoạt động tại các điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã/phường/thị trấn - là một mô hình hoạt động riêng có, đã huy động được nguồn lực lớn gồm cả hệ thống chính trị và xã hội vào cuộc.

20 năm qua, hệ thống ngân hàng chính sách xã hội cùng các tổ chức, chính trị xã hội tỉnh Điện Biên đã triển khai và thực hiện 24 chương trình tín dụng chính sách. Mỗi chính sách có mục tiêu và đối tượng phục vụ khác nhau, với tổng doanh số giải ngân đạt hơn 9.700 tỷ đồng cho trên 392.700 lượt hộ được thụ hưởng.

Vốn tín dụng chính sách đã đóng góp một phần không nhỏ trong đầu tư tín dụng cho phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách là 3.828,4 tỷ đồng, chiếm 19,4% trên tổng vốn đầu tư tín dụng toàn tỉnh (3.828,4/19.706 tỷ đồng).

Thông qua vốn tín dụng chính sách, đã có hơn 39 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi là suất để cải thiện về cuộc sống, chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn; có gần 66 nghìn lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo, gần 24 nghìn lượt lao động được tạo thêm việc làm mới hoặc được duy trì và mở rộng việc làm, trong đó có 738 lao động đi xuất khẩu lao động; gần 22 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; xây dựng được hơn 36 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hơn 16 nghìn ngôi nhà ở cho hộ nghèo và nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị...

100% các thôn, bản trong tỉnh đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, đã góp phần hạn chế tác động tiêu cực của tín dụng đen trên địa bàn.

Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách được tổ chức thực hiện công khai, dân chủ kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới... góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Từ đó tỷ lệ hộ nghèo hằng năm tại Điện Biên đều giảm từ 3-4% so năm trước; trật tự an toàn xã hội được duy trì; quốc phòng an ninh và biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững; niềm tin của nhân dân các tộc đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta ngày càng được củng cố và nâng cao.

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội thực sự là “điểm sáng” và là một trong các trụ cột trong hệ thống các chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.