Góp phần gìn giữ môn thể thao truyền thống

Hà Nội nói riêng và vùng Đồng bằng Bắc Bộ xưa vốn nhiều sông ngòi, ao hồ nên bộ môn đua thuyền rất phát triển. Mùa lễ hội hằng năm, nhiều địa phương nô nức với các giải đua thuyền, điển hình như: Lễ hội bơi Đăm (quận Bắc Từ Liêm), lễ hội bơi thuyền thôn Siêu Quần (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì). Tuy nhiên, cũng có thời gian, bộ môn này chưa được quan tâm đúng mức. Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội vừa góp phần thúc đẩy du lịch, vừa khôi phục môn thể thao truyền thống.
Các đội tranh tài trong Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2024.
Các đội tranh tài trong Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2024.

Nằm ven sông Hồng nên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao gắn với đời sống sông nước. Ngoài Lễ hội làng Đăm (phường Tây Tựu) có hoạt động đua thuyền nổi tiếng đã được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, phường Thượng Cát cũng có Lễ hội đua thuyền rồng được tổ chức hằng năm ngay ở ao đình Thượng Cát, thu hút đông đảo du khách gần xa. Đội thuyền phường Thượng Cát năm nay được chọn là nòng cốt tham gia Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2024. Ngay từ đầu tháng 9, các vận động viên Đội bơi chải thuyền rồng Bắc Từ Liêm đã bắt đầu công tác tập luyện. Đội trưởng Đội bơi chải thuyền rồng Bắc Từ Liêm Phạm Văn Tuấn cho biết: “Năm nay, quận Bắc Từ Liêm tham gia ở cả hai nội dung đua thuyền nam và nữ, mỗi đội huy động 18 thành viên. Để chuẩn bị cho thi đấu, thời gian qua chúng tôi đã luyện tập tại ao đình Thượng Cát. Khi giải sắp diễn ra, chúng tôi đã ra hồ Tây luyện tập, làm quen với địa điểm thi đấu nhằm đạt kết quả tốt nhất”.

Sau nhiều chờ đợi, 48 đội đua thuyền đã tề tựu đầy đủ tại hồ Tây, khu vực đường Nguyễn Đình Thi - đường Thanh Niên để tham gia tranh tài tại Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2024. Trong đó có bảy đội đua thuyền rồng quốc tế và các hãng hàng không quốc tế; bảy đội thuyền rồng chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước; tám đội thuyền rồng thuộc các câu lạc bộ, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô và đặc biệt là 18 đội thuyền nam - nữ các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Loại thuyền dùng cho thi đấu là thuyền 12 người, tổng chiều dài đường đua là 500m. Để phù hợp với trình độ chuyên môn của các nhóm vận động viên, giải đấu được chia thành sáu nhóm khác nhau. Các quận, huyện của Hà Nội thi đấu nội dung nam và nữ riêng biệt. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trưởng ban tổ chức giải Đỗ Đình Hồng cho biết: “Bơi chải thuyền rồng là môn thể thao mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam. Sự kiện không chỉ là nơi đua tranh của các đội, mà còn là dịp các đội cùng giao lưu, học hỏi, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các địa phương, giữa các tổ chức trong nước với quốc tế. Giải đấu sẽ góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời giới thiệu, quảng bá hình ảnh của con người, du lịch của Hà Nội”.

Đánh giá về mùa giải năm nay, Chủ tịch Câu lạc bộ đua thuyền hồ Tây, Phó Trưởng ban tổ chức giải chia sẻ: “Giải bơi chải thuyền rồng năm nay diễn ra đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô, cho nên cơ sở vật chất, cảnh quan được cải tạo khang trang hơn, người dân đến chứng kiến các màn đua tài cũng đông hơn mọi năm. Tôi hy vọng thành phố sẽ có nhiều giải thể thao trên mặt nước hơn nữa”.

Giải bơi chải thuyền rồng do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức đang góp phần thúc đẩy phong trào luyện tập, thi đấu bộ môn đua thuyền ở các địa phương trên địa bàn thành phố. Dự kiến Xuân Ất Tỵ 2025, đúng vào dịp Lễ hội chùa Hương, huyện Mỹ Đức sẽ tổ chức một giải đua thuyền mở rộng của huyện, nhằm cổ vũ phong trào luyện tập thể thao, tạo thêm sức hút cho du lịch chùa Hương ■