Còn những khó khăn
Ở Việt Nam, công tác xã hội trường học nhằm mục đích cải thiện môi trường học tập cho học sinh thông qua việc đánh giá vấn đề và nhu cầu của học sinh, cung cấp các hoạt động trợ giúp. Đó là các hoạt động như: Tư vấn, hỗ trợ tâm lý-xã hội, giáo dục kỹ năng sống và xây dựng năng lực để giúp học sinh tự giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình và thầy cô giáo.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo vào năm học 2020-2021, số trường học các cấp từ mầm non đến đại học, cao đẳng có hơn 41,5 nghìn cơ sở. Số trẻ em, học sinh-sinh viên là gần 24,6 triệu em.
Tuy vậy, theo quy định, hiện tại chưa có vị trí việc làm cho nhân viên công tác xã hội ở các nhà trường. Chính vì vậy, cán bộ công tác xã hội trường học đều là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm được giao làm đầu mối làm công tác xã hội. Công tác huy động nguồn lực xã hội hóa để triển khai công tác xã hội trường học chưa được các địa phương quan tâm thỏa đáng.
Theo quy định, hiện tại chưa có vị trí việc làm cho nhân viên công tác xã hội ở các nhà trường. Cán bộ công tác xã hội trường học đều là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm.
Công tác bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ giáo viên, nhân viên làm công tác xã hội còn chưa được quan tâm và chưa thực hiện thường xuyên liên tục.
Chính vì vậy, việc triển khai công tác xã hội trong ngành giáo dục là quan trọng và cần thiết góp phần thay đổi hành vi không mong muốn cho học sinh, sinh viên như: Không hoàn thành việc học tập, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật.
Đồng thời, công tác này hỗ trợ học sinh khai thác, phát huy những điểm mạnh và thành công trong học tập, giúp các em có khả năng định hướng nghề nghiệp, phát huy tối đa năng lực của bản thân.
Công tác xã hội còn có vai trò hỗ trợ phòng, chống xâm hại trẻ em, tuân thủ pháp luật; phòng, chống bạo lực, phòng chống ma túy; phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử đối với những trẻ em yếu thế…
Những năm gần đây, nghề công tác xã hội không còn được xã hội và người học quan tâm như những năm đầu thực hiện Quyết định số 32/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Tỷ lệ thí sinh nhập học, trúng tuyển đại học chưa cao so với nhiều ngành nghề khác. Cụ thể, năm 2020, tỷ lệ thí sinh nhập học, trúng tuyển đại học chỉ đạt 46,29%. Chương trình đào tạo về công tác xã hội chưa kịp thời cập nhật với phát triển của xã hội hiện nay.
Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện có 33 cơ sở giáo dục đại học được mở ngành đào tạo công tác xã hội, với quy mô đào tạo trình độ đại học. Quy mô đào tạo tại các cơ sở đào tạo hằng năm tương đối ổn định, khoảng 6.000 sinh viên.
Để công tác xã hội trong trường học hoạt động hiệu quả hơn
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan triển khai nhiệm vụ. Theo đó, đã đạt được một số kết quả cụ thể.
Trước hết, cơ quan này đã triển khai rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản, ban hành Thông tư hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý, góp phần giúp công tác xã hội trong trường học hoạt động hiệu quả hơn. Kế hoạch phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục theo từng giai đoạn đã góp phần giải quyết những nhu cầu bức thiết trong công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh nói riêng và giải quyết các vấn đề xã hội trong học đường nói chung, đồng thời góp phần bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Chương trình Khung đào tạo ngành công tác xã hội các trình độ, quyết định cho phép mở ngành đào tạo trình độ đại học ngành công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục đại học. Điều này nhằm tiếp tục phát triển công tác xã hội trong ngành giáo dục phù hợp điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng giai đoạn.
Hệ thống văn bản pháp luật về công tác xã hội cũng tiếp tục được hoàn thiện. Cùng với đó là đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển dịch vụ công tác xã hội trong các cơ sở giáo dục trên toàn quốc; thiết lập mạng lưới nhân viên công tác xã hội trong trường học; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chương trình, giáo trình, phương pháp đào tạo công tác xã hội trình độ đại học và sau đại học theo hướng hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên công tác xã hội.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nỗ lực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó nội dung về công tác xã hội đã được lồng ghép đưa vào các hoạt động giáo dục, hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh tại các cơ sở giáo dục phổ thông. Đi đôi với đó là đổi mới, hoàn thiện chương trình đào tạo, nội dung đào tạo đại học và sau đại học về công tác xã hội, xây dựng tài liệu về tư vấn điều trị nghiện ma túy; đào tạo về công tác xã hội với người khuyết tật, công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Hoàn thiện hệ thống chính sách
Trong giai đoạn 2023-2030 sắp tới, các cơ sở giáo dục thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tăng cường đẩy mạnh triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, bảo vệ học sinh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò của công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường; phối hợp các cơ quan truyền thông để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phát triển tư vấn tâm lý học đường trong nước và quốc tế.
Nghiên cứu, rà soát và đề xuất bổ sung, sửa đổi Thông tư 33 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó nghiên cứu quy định rõ quy trình thực hiện công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục, đồng thời phân định rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh theo hướng các cơ sở giáo dục được bố trí một người trong trường hợp đủ biên chế. Với trường hợp không đủ biên chế thì bố trí kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017 về hướng dẫn vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Trong đó, đề xuất vị trí việc làm tư vấn học sinh theo hướng các cơ sở giáo dục được bố trí một người trong trường hợp đủ biên chế. Với trường hợp không đủ biên chế thì bố trí kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động.
Cơ quan phụ trách lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam triển khai các hoạt động công tác xã hội. Trong đó, chú trọng trợ giúp nhóm học sinh yếu thế, đặc biệt là nhóm học sinh bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19.
Đây cũng là một nội dung quan trọng, bởi trong hơn hai năm qua, đại dịch đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành giáo dục. Chỉ tính riêng trong năm 2021, kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp. Hơn 70 nghìn sinh viên không thể ra trường đúng hạn, ảnh hưởng tới việc cung cấp nguồn nhân lực.