Gỡ “điểm nghẽn” để thành phố Thủ Đức bứt phá

Thành phố Thủ Ðức đang gặp nhiều vấn đề khó khăn trong thực tế vận hành, hoạt động sau hai năm được thành lập. Trong đó, nổi lên ba nhóm vấn đề lớn là: thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị; nhân lực.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Thủ Ðức. (Ảnh Hoàng Triều)
Một góc thành phố Thủ Ðức. (Ảnh Hoàng Triều)

Trong bối cảnh vừa thành lập trên cơ sở sáp nhập ba đơn vị hành chính (quận Thủ Ðức, Quận 2 và Quận 9) hai năm nay, thành phố Thủ Ðức đang gặp nhiều vấn đề trong thực tế vận hành, hoạt động. Có những vấn đề thuộc về khách quan, có vấn đề thuộc về cơ chế chính sách và cả con người thực hiện. Nhưng có thể tập hợp thành ba nhóm vấn đề lớn: thể chế, cơ chế đặc thù; cơ sở hạ tầng đô thị; nhân lực. “Kỳ vọng Thủ Ðức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, thành phố kinh tế tri thức và trí tuệ nhân tạo, động lực tăng trưởng của Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực, trở thành mô hình chính quyền hiệu quả, là kiểu mẫu để áp dụng cho các đô thị khác, sẽ khó đạt được nếu như không “giải tỏa” ba nhóm vấn đề đang “tắc nghẽn” nêu trên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh và thêm rằng, thực tế này cho thấy, cần có những bước đi trong cả trước mắt lẫn dài hạn về giải pháp, kế hoạch tái cấu trúc cơ cấu nhân sự. Trong đó, nên cân nhắc tỷ lệ ngày càng cao nhân lực số trong thời gian tới nhằm tạo đà thực hiện thành công chiến lược phát triển nhanh và bền vững hơn của thành phố Thủ Ðức.

Với dân số khoảng 1,2 triệu người, 34 phường trực thuộc, thành phố Thủ Ðức là một đơn vị hành chính có quy mô diện tích, dân số, khối lượng công việc lớn của Thành phố Hồ Chí Minh. Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố Thủ Ðức trở thành đô thị kiểu mới, đến nay, địa phương này đã tập trung triển khai một số hoạt động chuyển đổi số quan trọng. Cụ thể là Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của thành phố Thủ Ðức; Hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác công bố, công khai thông tin quy hoạch; Cổng thông tin điện tử và Ứng dụng trực tuyến thành phố Thủ Ðức… Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với các vấn đề thực tiễn hiện nay, Thủ Ðức cơ bản vẫn chỉ là một đơn vị hành chính như nhiều đơn vị quận, huyện khác của Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tiễn này gây khó khăn lớn cho việc quản trị, quản lý vì quy mô diện tích và dân số lớn với nhiều hoạt động kinh tế-xã hội như hiện nay.

Các chuyên gia, nhà khoa học đưa ra giải pháp phát triển nguồn nhân lực số cho thành phố Thủ Ðức. Cụ thể, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động hướng đến việc đầu tư nguồn nhân lực số hỗ trợ cho Thủ Ðức trong các khâu quản lý hành chính; ưu tiên, khuyến khích thu hút đầu tư với các tập đoàn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa… Tiến sĩ Lê Quốc Thành, Trường đại học Tài chính-Marketing cho biết: Với Thủ Ðức, là một thành phố vừa là cửa ngõ, vừa là trung tâm gồm nhiều khu vực mới phát triển, có địa hình và vị trí khá đặc thù, nên rất cần có sự nghiên cứu điều chỉnh thận trọng và đề xuất đưa vào quy hoạch, xây dựng thành phố nhằm hướng đến một thành phố có nền tảng phát triển “thông minh”, hiệu suất cao và hướng đến vì chất lượng cuộc sống cư dân. Muốn thực hiện điều này, trên cơ sở quy hoạch chung, Thủ Ðức cần đề xuất các cơ chế đặc thù về cả vốn lẫn cơ chế để có thể có các điều chỉnh cần thiết, cập nhật quy hoạch tích hợp phát triển đô thị toàn diện, cân bằng có định hướng dài lâu nhất có thể.

Tiến sĩ Lê Quốc Thành cũng cho biết thêm, để bảo đảm xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu tăng cao trong nhiều năm, có thể phải đề xuất các cơ chế về chi phí đặc thù trên mặt bằng chung của các quy định hiện nay về xây dựng cơ bản. “Ðây là một vấn đề rất cần thiết, cân nhắc để bảo đảm sự lâu bền của công trình hạ tầng kỹ thuật cho Thủ Ðức và có thể nhân rộng cho toàn Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố quan trọng khác tại Việt Nam”. Công tác quản trị quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị hiện đại, vấn đề nhân lực trong các ngành của thành phố Thủ Ðức cần có lộ trình đào tạo đi trước một bước cho một số nhóm ngành, trước tiên là các chuyên gia về quy họach đô thị. Trong thực tiễn, chúng ta thường hay chọn tư vấn quy hoạch và trong gói tư vấn quy hoạch có phần đào tạo. Cần xem xét mạnh dạn đầu tư đào tạo cho nhóm nhân lực quản lý này sớm và họ sẽ đóng vai trò tham mưu chuyên môn quan trọng trong việc xây dựng một thành phố thông minh, bền vững.

Tiến sĩ Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, do chỉ tiêu kỳ vọng thành phố Thủ Ðức sẽ đóng góp 30% GRDP của Thành phố Hồ Chí Minh là hơi cao so với xuất phát điểm, nên cần xây dựng lộ trình phù hợp, ưu tiên nguồn lực và đặc biệt là ban hành cơ chế chính sách đặc thù mới trở thành hiện thực; kiến nghị Trung ương cho phép thí điểm những cơ chế chính sách mới đối với thành phố Thủ Ðức (như thí điểm mô hình đô thị mới)...