Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay và độc lập hơn về kinh tế

NDO - Từ năm 2018, một dự án về thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã triển khai ở 18 địa bàn khó khăn. Sau 4 năm, chương trình đã hỗ trợ phát triển sinh kế cho hơn 11 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia mô hình VSLA tại xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: CARE quốc tế tại Việt Nam)
Phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia mô hình VSLA tại xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: CARE quốc tế tại Việt Nam)

Cách làm thực tế hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số

Bốn năm qua, Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Tập đoàn P&G phối hợp thực hiện Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số” (R2E).

Địa bàn của dự án trải dài tới 18 tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, chương trình triển khai Mô hình tiết kiệm tín dụng thôn bản tự quản (VSLA), giúp hỗ trợ phát triển sinh kế cho hơn 11 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số.

Chị Hồ Thị Nhớ, người Vân Kiều, đến từ thôn Pa Hy, xã Tà Long, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, kể: “Em vào dự án được 2 năm, cùng hơn 20 chị khác. Từ khi vào dự án, nhiều chị ở quê em phấn khởi, nhất là với phụ nữ vùng cao khó khăn và là người dân tộc thiểu số như bọn em”.

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay và độc lập hơn về kinh tế ảnh 1

Chị Hồ Thị Nhớ chia sẻ về mô hình VSLA tại thôn của mình.

Thôn Pa Hy của chị Nhớ thuộc vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, giáp biên giới của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Với mức sống của người dân còn nghèo, một lần đóng quỹ chỉ 20 nghìn đồng, nhưng cũng là một nỗ lực với các phụ nữ ở đây do họ không có thu nhập cố định. Phụ nữ chủ yếu làm thuê, làm nông nên thu nhập rất thấp. Chị Nhớ, cũng như nhiều chị em khác trong thôn Pa Hy, chỉ có tiền khi thu hoạch lúa, sắn hay cây tràm.

Ban đầu, nhóm có 22 người. Sau hai năm, họ tách thành hai nhóm, tăng lên 44 người. Số thành viên tăng nhanh vì thu hút được nhiều chị em thích thú tham gia.

Hỏi về những “bứt phá” sau hai năm, chị Nhớ cười hiền: “Trước khi tham gia dự án, em chưa có vốn tiết kiệm riêng, chị em cùng thôn chẳng mấy khi giao lưu, trò chuyện. Giờ chị em có thể gặp nhau ít nhất 4 lần mỗi tháng, có không gian tâm sự nhiều hơn. Em cũng có thể chủ động hơn trong chuyện tiền nong, không quá lo về tiền ăn, tiền học của con, hoặc lúc ốm đau. Việc vay tiền cũng thuận tiện, dù số tiền chỉ khoảng 1 triệu đồng”.

Nhờ mô hình VSLA, chị Nhớ có thể “dư dả” hơn vào dịp cuối năm, có sẵn tiền lo Tết cho gia đình, mua quần áo cho con. Trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp ở địa phương, chị cũng mở được 1 cửa hàng nhỏ, còn mượn tiền mua được 4.000 cây tràm, để đất rừng của nhà không bị bỏ hoang. Từ khi tham gia nhóm tiết kiệm VSLA, chị Nhớ cũng vui vẻ, cởi mở hơn với các chị cùng thôn.

Còn chị K’ Luyên, người dân tộc K’Ho (thôn Đạ Dâng, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) cho hay, Dự án “Bứt phá” đã giúp bản thân thay đổi cuộc sống một cách khá thiết thực. Số tiền các chị của nhóm được vay tuy nhỏ, khoảng 5 triệu đồng, nhưng rất kịp thời. Nhờ thế, chị em không cần đến các dịch vụ vay tiền bên ngoài, rủi ro cao như tín dụng đen ở địa phương.

Các chị trong nhóm của K’Luyên chủ yếu trồng cà-phê, tiêu, trồng dâu nuôi tằm. Tiền vay từ nhóm chủ yếu dùng cho sản xuất nhỏ lẻ, vay mua xăng dầu. Ngoài ra, vài chị có thể vay tiền cho con đi học đầu năm học, hoặc dùng mua thuốc khi bị ốm đau, bệnh tật.

Ông Nguyễn Đức Thành, quản lý dự án của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam cho biết, từ tháng 1/2018 đến tháng 12/2019, dự án triển khai ở bốn tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam. Đó là các địa phương: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Bắc Kạn. Thông qua hợp tác với P&G, CARE đã thành lập 260 nhóm VSLA, trực tiếp giúp 5.196 phụ nữ dân tộc thiểu số được tiếp cận vốn vay và độc lập hơn về kinh tế.

Nhiều thành viên của nhóm VSLA cho biết, họ có thể tiết kiệm tiền nhiều hơn và đầu tư tốt hơn vào giáo dục cho con cái, sinh kế hộ gia đình và các hoạt động tạo ra thu nhập.

Hơn 11 nghìn phụ nữ dân tộc thiểu số hưởng lợi

Giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận vốn vay và độc lập hơn về kinh tế ảnh 2

Phụ nữ trong Dự án R2E tại Yên Bái. (Ảnh: CARE quốc tế tại Việt Nam)

Sau bốn năm, Dự án “Bứt phá: Thúc đẩy tài chính toàn diện cho phụ nữ dân tộc thiểu số” đã hỗ trợ xây dựng và vận hành hơn 500 nhóm tiết kiệm tín dụng tự quản với hơn 11 nghìn phụ nữ tham gia hoạt động huy động tiết kiệm và cho vay vốn quy mô nhỏ. Mô hình này hỗ trợ hiệu quả phụ nữ và gia đình trong các hoạt động phát triển sinh kế, góp phần bảo đảm an ninh tài chính của hộ gia đình.

Trong giai đoạn thứ hai của dự án này, từ tháng 12/2020 tới hết tháng 12/2021 đã thành lập được 287 nhóm VSLA với 4.185 thành viên phụ nữ tham gia. Từ đó, huy động 9,35 tỷ đồng tiết kiệm và cho 2.427 lượt thành viên được vay vốn để phát triển sinh kế.

Chỉ trong nửa đầu năm 2022, 269 nhóm với 4.058 thành viên phụ nữ tham gia hoạt động đã huy động được 5,62 tỷ đồng tiết kiệm và 1.416 lượt thành viên được vay vốn để phát triển sinh kế.

Sau bốn năm, hơn 500 nhóm tiết kiệm tín dụng tự quản được xây dựng và vận hành, Hơn 11 nghìn phụ nữ tham gia hoạt động huy động tiết kiệm và cho vay vốn quy mô nhỏ. Mô hình này hỗ trợ hiệu quả phụ nữ và gia đình trong các hoạt động phát triển sinh kế, góp phần bảo đảm an ninh tài chính của hộ gia đình.

Giám đốc Truyền thông P&G Việt Nam Lê Thị Tuyết Mai chia sẻ, Dự án “Bứt phá” là một chương trình cộng đồng quan trọng trong kế hoạch phát triển lâu dài của công ty tại Việt Nam. Nhiều năm qua, P&G bền bỉ thực hiện nhiều chương trình nhằm thúc đẩy tiến bộ của phụ nữ, xóa bỏ rào cản giới và thúc đẩy sự phát triển của phụ nữ Việt Nam.

Được CARE khởi xướng từ năm 1991 tại Nigeria và triển khai tại Việt Nam từ năm 2010, đến nay, mô hình VSLA đã được giới thiệu triển khai ở hơn 20 tỉnh/thành phố.

Đánh giá về hoạt động của dự án trong thời gian qua, bà Đào Mai Hoa, Phó Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam) cho biết: “Mô hình này rất phù hợp với điều kiện kinh tế và năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số, giúp cho chị em hình thành thói quen tiết kiệm, tự quản và cộng đồng hỗ trợ, giúp nhau trong những lúc khó khăn. Thông qua mô hình, Hội cũng đã triển khai các hoạt động truyền thông về các chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như các kiến thức cần thiết khác cho phụ nữ như tổ chức cuộc sống gia đình, tăng thu nhập, bình đẳng giới”.

Mô hình VSLA hoạt động dựa trên nguyên tắc ba tự: tự nguyện tham gia, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm. Từ đó, thúc đẩy nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các thành viên.

Giám đốc Quốc gia Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam Lê Kim Dung khẳng định, cách làm và đặc điểm của mô hình VSLA rất phù hợp với các mục tiêu của Hội Liên hiệp phụ nữ trong tiến trình thực hiện dự án 8. CARE cam kết đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật với Trung ương Hội trong 5 năm tới để thực hiện hiệu quả các hoạt động nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra.

Mô hình VSLA hoạt động dựa trên nguyên tắc ba tự: tự nguyện tham gia, tự quản lý và tự chịu trách nhiệm. Từ đó, thúc đẩy nguyên tắc công khai, minh bạch và bình đẳng đối với tất cả các thành viên.

Theo bà Đào Mai Hoa, về lâu dài, để hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững ở các địa phương, nhất là các vùng triển khai dự án, cần giúp phụ nữ dân tộc thiểu số dễ tiếp cận công nghệ hơn, có kiến thức tốt về kinh tế, để các mô hình sinh kế của họ tồn tại, đem lại thu nhập tốt trong cuộc sống.

Bà Hoa kỳ vọng, phụ nữ dân tộc thiểu số có thể tiếp cận các nguồn tài chính khác nhau, để những mô hình như VSLA phát triển. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được phê duyệt năm 2021, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam có hoạt động kết nối phụ nữ với các định chế tài chính chính thức, tăng khả năng tiếp cận vốn chính thức từ Nhà nước. Từ đó, giúp họ có nguồn vốn phát triển các mô hình sinh kế, thoát nghèo một cách bền vững.