Công tác quản lý, giáo dục với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân là công việc đặc biệt. Theo đó, mỗi người cán bộ quản giáo phải là một người thầy "gieo mầm thiện" cho những mảnh đời lầm lỗi tìm lối hoàn lương.
Bằng lòng nhân ái và sự bao dung, những cán bộ, chiến sĩ của Trại tạm giam số 1 và số 2 Công an thành phố Hà Nội đã giúp cho nhiều can phạm nhân cải tạo tốt để làm lại cuộc đời.
Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố đang quản lý, giam giữ 6.976 can phạm nhân (Trại tạm giam số 1: 3.669 can phạm nhân; Trại tạm giam số 2: 2.225 can phạm nhân; Nhà tạm giữ Công an cấp huyện: 1.088 can phạm nhân).
Trong đó, 2 Trại tạm giam số 1 và số 2 vừa giữ chức năng, nhiệm vụ quản lý tạm giữ, tạm giam vừa được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự theo quy định tại khoản 3 Điều 11 Luật Thi hành án hình sự 2019.
Các cán bộ, chiến sĩ làm công tác quản giáo, bảo vệ Trại tạm giam số 1 và số 2 thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều áp lực, bởi phần lớn đối tượng bị tạm giữ, tạm giam và chấp hành án hình sự tại đây đều có nhân thân phức tạp cộng thêm tâm lý bi quan, nhất là các đối tượng phạm trọng tội.
Cán bộ quản giáo chúng tôi phải thực hiện nguyên tắc 4 biết: biết mặt, biết tên, biết hoàn cảnh gia đình và biết lai lịch, hành vi dẫn đến phạm tội.
Trung tá Trần Ngọc Duy
Một số trường hợp bị tạm giữ, tạm giam và đang thi hành án hình sự là đối tượng thuộc các nhóm yếu thế như: người dưới 18 tuổi, phụ nữ đang mang thai, người cao tuổi, người mắc bệnh hiểm nghèo…
Các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố đang quản lý, giam giữ 6.976 can phạm nhân.
Trung tá Trần Ngọc Duy tâm sự: “Để có thể giáo dục, cảm hóa các đối tượng, cán bộ quản giáo chúng tôi luôn phải thực hiện nguyên tắc 4 biết: biết mặt, biết tên, biết hoàn cảnh gia đình và biết lai lịch, hành vi dẫn đến phạm tội".
Là người có nhiều năm kinh nghiệm, tiếp xúc với không ít trường hợp cá biệt, Trung tá Trần Ngọc Hạnh, cán bộ Trại tạm giam số 1 cho biết: “Các phạm nhân cá biệt thường có mức án cao. Một số người có hoàn cảnh bố, mẹ già yếu, thân nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Với những trường hợp này, chúng tôi đã tổ chức chương trình giáo dục chung và giáo dục riêng. Hằng tuần, chúng tôi phân công cán bộ quản giáo, chỉ huy phân trại tiến hành gặp gỡ, nói chuyện, động viên phạm nhân. Đồng thời sắp xếp những công việc phù hợp với thể chất của phạm nhân.
Chúng tôi cũng phối hợp gia đình thường xuyên hỏi han, chăm sóc sức khỏe, tổ chức các lớp tuyên truyền giáo dục pháp luật, dạy nghề cho các phạm nhân để khi trở về họ có thể tìm được công việc phù hợp, dễ dàng tái hòa nhập cộng đồng”.
Lớp đào tạo nghề điện dân dụng trình độ sơ cấp do Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội phối hợp Trường cao đẳng Điện tử-Điện lạnh Hà Nội tổ chức. (Ảnh: Thủy Nguyên). |
Vừa qua Trại tạm giam số 1 đã phối hợp Trường cao đẳng Điện tử-Điện lạnh Hà Nội để mở lớp đào tạo nghề điện dân dụng trình độ sơ cấp cho học viên là phạm nhân sắp mãn hạn tù, có thành tích cải tạo tốt.
Lớp học được tổ chức tại không gian rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ. Giảng viên được mời đến giảng dạy đều là những thầy, cô giáo giỏi chuyên môn và kỹ năng sư phạm.
Được hướng dẫn những “học viên đặc biệt”, thầy Trần Liêm Hiệp, Trưởng Khoa Điện tự động hóa, Trường cao đẳng Điện tử điện lạnh Hà Nội, cho biết: “Tôi rất vui và tự hào khi được tham gia lớp học thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người đang chấp hành án phạt tù.
Tôi thấy rằng dù khả năng tiếp thu không đồng đều, nhưng các học viên đều rất nghiêm túc, khát khao học tập để có một nghề nghiệp ổn định sau khi mãn hạn trở về”.
Đối với phạm nhân Trần Đăng Khoa, lớp học đã giúp anh và các học viên có kiến thức cơ bản về điện dân dụng và có định hướng mới sau khi chấp hành án phạt tù. Anh mong muốn có thể ứng dụng những kiến thức đã học vào công việc sau khi trở về xã hội.
Nếu nói nhà tù là công cụ đấu tranh, trấn áp kẻ phạm tội, thì giáo dục và cải tạo là liều thuốc nhiệm màu để gột rửa những lỗi lầm của họ và thổi bùng lên ngọn lửa lương tri của mỗi con người.
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam
Nhận xét về vai trò của cơ sở giam giữ trong hệ thống thi hành án hình sự, Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội, cho biết: Nghề quản giáo chính là “nghề giáo dục lại”.
“Nếu nói nhà tù là công cụ đấu tranh, trấn áp kẻ phạm tội, thì giáo dục và cải tạo là liều thuốc nhiệm màu để gột rửa những lỗi lầm của họ và thổi bùng lên ngọn lửa lương tri của mỗi con người. Những năm qua Trại tạm giam số 2 đã tích cực tham mưu cho các cơ quan chức năng các giải pháp bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin, quyền được giáo dục cho can phạm nhân tại cơ sở.
Thượng tá Nguyễn Xuân Nam, Phó Giám thị Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên) |
Sự tận tâm của các cán bộ quản giáo, y tế và cảnh sát bảo vệ tại Trại tạm giam số 2 đã kịp thời giúp cho nhiều can phạm nhân từ bỏ tâm lý tiêu cực, chán nản, nhận thức đúng về hành vi phạm tội của mình, hợp tác với cơ quan chức năng, yên tâm chấp hành án để tái hòa nhập cộng đồng".
Kể từ khi vào đây, tôi không có người thân quan tâm, chi viện. Tất cả đều phụ thuộc vào tiêu chuẩn của trại. Tôi biết ơn Đảng, Chính phủ và thấy rằng các quản giáo ở đây rất có tình người.
Phạm nhân Nguyễn Đức Tiến
Là một người bị kết án phạt tù đang chờ thi hành án, ông Nguyễn Đức Tiến từng có tâm trạng bi quan vì bản thân đang mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, được sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của các cán bộ quản giáo và đội ngũ y tế của bệnh xá Trại tạm giam số 2, sức khỏe thể chất và tinh thần của ông đã dần ổn định.
Ông Nguyễn Đức Tiến chia sẻ: “Kể từ khi vào đây, tôi không có người thân quan tâm, chi viện. Tất cả đều phụ thuộc vào tiêu chuẩn của trại. Tôi biết ơn Đảng, Chính phủ và thấy rằng các quản giáo ở đây rất có tình người”.
Công tác giáo dục, cải tạo can phạm nhân luôn là nhiệm vụ khó khăn, một mặt giúp các phạm nhân nhận thức được sự nghiêm minh của pháp luật về các tội lỗi của họ, một mặt giúp họ hướng thiện, có ý thức sửa chữa sai lầm.
Vai trò của những cán bộ, chiến sĩ tại các cơ sở giam giữ vì thế rất quan trọng nhưng cũng hết sức nặng nề khi vừa là người thi hành công lý, vừa là người thầy giáo. Chỉ có lòng tận tâm yêu nghề mới giúp họ vượt qua khó khăn, thách thức và cám dỗ để vững vàng bản lĩnh của của người chiến sĩ Công an "vì nước quên thân, vì dân phục vụ".