Đội ngũ y, bác sĩ Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội theo dõi sức khỏe định kỳ cho can phạm. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Đội ngũ y, bác sĩ Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội theo dõi sức khỏe định kỳ cho can phạm. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Bảo đảm quyền được khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam

NDO - Trải qua nhiều thập kỷ, ngày một nhiều người đã được tiếp cận và thụ hưởng quyền sức khỏe. Tuy nhiên, ở mọi quốc gia, do bị hạn chế một số quyền dân sự theo luật định, người đang bị tạm giữ, tạm giam có thể được nhìn nhận như một nhóm có nguy cơ bị xâm hại về mặt sức khỏe lẫn tinh thần, đặc biệt là các bị can thuộc các nhóm yếu thế như trẻ vị thành niên, người cao tuổi, người mắc các bệnh hiểm nghèo, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ.

Nhìn nhận từ thực tế đó, kể từ khi gia nhập Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước CAT), Việt Nam luôn dành mối quan tâm đặc biệt về chế độ chăm sóc y tế với người bị tạm giữ, tạm giam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng ghi nhận những đánh giá khách quan, khuyến nghị phù hợp về quyền sức khỏe của người bị tạm giữ, tạm giam từ các quốc gia, tổ chức quốc tế, lấy làm căn cứ để học tập, nghiên cứu, nội luật hóa.

Minh chứng sinh động nhất cho những quyết tâm này là quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, chính sách để trên cơ sở đó bảo đảm, bảo vệ và chống mọi hình thức xâm hại sức khỏe của người đang bị tạm giữ, tạm giam.

Bảo đảm quyền được khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam ảnh 1

Bệnh xá Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Xét riêng trên khía cạnh khám, chữa bệnh trong các cơ sở giam giữ, Việt Nam đã ban hành 4 văn bản pháp luật quan trọng. Nổi bật là Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BCA-BQP-BYT về hướng dẫn việc khám bệnh, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng. Trong thời gian tới, Bộ Công an cùng các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất hướng đến phục vụ lưu trữ hồ sơ nhân thân, bệnh án và công tác khám, chữa bệnh cho người bị giam giữ.

Chính những nỗ lực này đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm, bảo vệ quyền sức khỏe của người bị tạm giữ, tạm giam trong giai đoạn Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Giữa bối cảnh khó khăn về nguồn lực, Việt Nam vẫn bảo đảm tổ chức triển khai tiêm vaccine cho cán bộ chiến sĩ trong trại, người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân; thành lập các khu cách ly y tế tạm thời đối với cán bộ chiến sĩ, khu cách ly y tế tạm thời đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân. Kết quả là gần 100% số đối tượng giam giữ đã được tiêm mũi 3, số đối tượng đã tiêm mũi 4 là 46,3% (1).

Không chỉ vậy, trong giai đoạn 2019-2022, các cơ sở giam giữ đã đã tổ chức khám, phát thuốc cho 20.903.172 phạm nhân; điều trị tại bệnh xá cho 252.225 phạm nhân; điều trị tại bệnh viện cho 17.744 phạm nhân (2).

Đồng thời, nhằm bảo đảm cho các nhóm yếu thế được thụ hưởng quyền sức khỏe trong điều kiện giam giữ, Việt Nam đã bổ sung quy định về việc bố trí giam giữ riêng cho 9 nhóm đối tượng bao gồm: phạm nhân nữ; phạm nhân là người dưới 18 tuổi; phạm nhân là người nước ngoài; phạm nhân là người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phạm nhân có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình trong thời gian chờ quyết định của Tòa án; phạm nhân có con dưới 36 tháng tuổi theo mẹ vào trại giam; phạm nhân thường xuyên vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân và 1 đối tượng có thể được giam giữ riêng (phạm nhân là người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người chưa xác định rõ giới tính).

Hiện nay, nhiều cơ sở giam giữ phạm nhân trong cả nước đã hoàn thành rất tốt công tác bảo đảm quyền con người và quyền được khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam căn cứ theo luật định. Điển hình có thể kể đến hệ thống trại tạm giam và nhà tạm giữ của Công an thành phố Hà Nội.

Theo Báo cáo Kết quả công tác bảo đảm quyền của người bị tạm giữ, người bị tạm giam tại các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2018-2023, chế độ chăm sóc y tế đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là một trong bảy nội dung luôn được đặc biệt quan tâm.

Trước khi đưa vào buồng giam giữ, người bị tạm giữ, tạm giam đều được khám sức khỏe. Hiện nay, Công an thành phố đã phối hợp Bệnh viện Đa khoa Hà Đông xây dựng và đưa vào sử dụng một khu khám, điều trị bệnh dành riêng cho can phạm, phạm nhân, đã tạo thuận lợi cho việc khám, điều trị, quản lý can, phạm nhân, hạn chế việc can, phạm nhân bỏ trốn trong thời gian khám, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ.

Ngoài ra, người bị tạm giữ, người bị tạm giam được nhận thuốc chữa bệnh từ thân nhân nếu có đơn của thầy thuốc và thuốc có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Bảo đảm quyền được khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam ảnh 2

Trung tá, Trạm xá trưởng Trại tạm giam số 1 Nguyễn Hồng Hải khám bệnh cho can phạm. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Trong kỳ báo cáo, các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố đã tổ chức khám và cấp thuốc, điều trị cho 358.352 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam; trích xuất 9.664 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam ra Bệnh viện ngoài khám và điều trị; tổ chức tiếp nhận 3.150 lượt thuốc chữa bệnh, thuốc điều trị ARV do thân nhân gửi vào cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo đúng quy định.

Đặc biệt, trong cao điểm đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp Sở Y tế Hà Nội tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố thành lập “Khu cách ly, theo dõi, điều trị người bị tạm giữ, tạm giam, phạm nhân nhiễm và nghi nhiễm Covid-19 tại Trại tạm giam số 2 - Công an thành phố Hà Nội”; triển khai tiêm chủng vaccine phòng, chống Covid-19 cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân. Đến nay, tổng số can phạm nhân nhiễm Covid-19 tại các cơ sở giam giữ thuộc Công an thành phố là 2.711 người, đều đã được điều trị khỏi, trong đó điều trị tại khu cách ly Trại tạm giam số 2 là 2.588 người; điều trị tại các Nhà tạm giữ là 123 người.

Trả lời phóng viên về điều kiện khám chữa bệnh tại Trại tạm giam số 1 Công an thành phố Hà Nội, Trung tá, Bệnh xá trưởng Nguyễn Hồng Hải cho biết: “Trong các trường hợp bất thường, Trại tạm giam số 1 có đội ngũ nhân viên y tế, cấp cứu trực 24/24 giờ. Để bảo đảm quyền lợi cho người bị tạm giữ, tạm giam, các can phạm đã có hồ sơ điều trị nội trú đều được cấp phát thuốc hằng ngày theo quy định. Trong những trường hợp can phạm mắc bệnh nặng thì bất kỳ thời điểm nào chúng tôi cũng có mặt để khám, chữa kịp thời”.

Bảo đảm quyền được khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam ảnh 3

Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội khám bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Trong khi đó theo trung tá Nguyễn Thanh Hải, Bệnh xá trưởng Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội: “Những can phạm mắc bệnh quá khả năng điều trị đều được giới thiệu lên bệnh viện tuyến trên. Trong các trường hợp chưa rõ ràng về chẩn đoán, chúng tôi sẽ đưa can phạm ra các cơ sở y tế bên ngoài để khám, ghi nhận phác đồ điều trị. Trường hợp bệnh nặng sẽ được điều trị dài ngày, theo dõi kỹ tại bệnh viện tuyến cấp huyện trở lên”.

Bảo đảm quyền được khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm giam ảnh 4

Các bệnh nhân là người bị tạm giữ, tạm giam đang nghỉ ngơi và đọc báo tại bệnh xá Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Bên cạnh đó, Trung tá Nguyễn Thanh Hải cũng chia sẻ thêm một số khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh cho người bị tạm giữ, tạm hiện nay: “Theo quy định của Bộ Y tế, bệnh xá tại các trung tâm tạm giữ, tạm giam chỉ tương đương với trạm xá cấp xã nên khả năng, thủ thuật chuyên môn, kinh phí, thuốc men chỉ tương đương cấp xã. Nhưng các can phạm ở đây đều là đối tượng đặc biệt không thể dễ dàng đưa đi khám, chữa được. Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng bảo đảm quyền sức khỏe cho các can phạm, phạm nhân. Tỷ lệ khám chữa bệnh thành công ở mức cao. Tỷ lệ bệnh nặng dẫn đến tử vong gần như không có”.

Khi được phóng viên phỏng vấn, không ít can phạm đang được điều trị tại hai bệnh xá thuộc Trại tạm giam số 1 và Trại tạm giam số 2 Công an thành phố Hà Nội đã bày tỏ sự xúc động, biết ơn đối với đội ngũ y tế, cán bộ quản giáo và lực lượng cảnh sát bảo vệ vì luôn quan tâm đến điều kiện sức khỏe thể chất và tinh thần của họ.

Từ quá trình khám, chữa bệnh, một số can phạm đã thay đổi thái độ từ tiêu cực sang lạc quan, hợp tác với cán bộ quản lý trại tạm giữ, tạm giam và cơ quan điều tra làm rõ vụ án, hành vi phạm tội để sớm được chấp hành án, cải tạo tốt và trở về với xã hội.

Như vậy, bảo vệ quyền chính đáng của người đang bị tạm giữ, tạm giam gắn với thực hiện tốt chế độ, chính sách với họ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong công tác giáo dục, cải tạo, thể hiện tính ưu việt của pháp luật nhà nước Việt Nam. Từ đó giúp người bị tạm giữ, tạm giam sớm nhận ra sai lầm, cố gắng rèn luyện, cải tạo tốt, sớm được ân xá và trở về với cộng đồng. Thực tế này là công cụ sắc bén phản bác lại một số thông tin không đúng thực tế cho rằng Việt Nam vi phạm nhân quyền trong việc đối xử, giam giữ, không quan tâm tới các vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe người bị tạm giữ, tạm giam hoặc điều kiện môi trường nơi trại giam không đảm bảo.

............

(1), (2): số liệu trích từ Dự thảo lần 5 Báo cáo Quốc gia lần thứ hai về thực thi Công ước và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người chống tra tấn 2023, Nguồn: Cổng thông tin Bộ Công an.

back to top