Chuyện về những quản giáo ở Trại tạm giam Thanh Hóa

Quản giáo Trại tạm giam Thanh Hóa hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cho nữ phạm nhân.
Quản giáo Trại tạm giam Thanh Hóa hướng dẫn kỹ thuật trồng rau cho nữ phạm nhân.

Theo Giám thị Nguyễn Văn Nở: Trại tạm giam này gồm đủ các loại "tứ chiếng, giang hồ" lưu manh chuyên nghiệp, nghiện hút, xì ke; từ trộm cắp móc túi, tới giết người, cướp của, buôn bán ma túy, tội tham ô, gây tai nạn giao thông đâm chết người,... đều vào đây. Thậm chí, có người phải vào tù nhiều lần. Không ít phạm nhân vào nhà giam không chỉ mang theo tội lỗi mà cả nhiều căn bệnh hiểm nghèo và bệnh xã hội đeo bám theo, như: lao phổi, bệnh "gút", bệnh tiểu đường, giang mai, rồi nhiễm HIV/AIDS... Muốn thực hiện được nhiệm vụ quản lý, giam giữ, giáo dục, cải tạo can phạm nhân phục vụ yêu cầu công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án phạt tù, thì người cán bộ quản giáo luôn phải theo sát can phạm nhân không chỉ hướng dẫn, chỉ bảo mà phải "miệng nói, tay làm".

Quản giáo Ðồng Minh Châu và Lê Khắc Hùng được khá nhiều phạm nhân trong trại biết đến và "tâm phục, khẩu phục". Ngày nào cũng vậy, từ 5 giờ sáng anh Châu đã ra khỏi nhà và có mặt tại trại giam vào lúc 6 giờ sáng. Anh đến sớm rà soát các công việc làm trong ngày. Tới giờ lao động, miệng hướng dẫn, tay anh thoăn thoắt lúc bê than, khi vo gạo, lúc cùng phạm nhân nhặt rau, nấu bếp. Mồ hôi luôn thấm đẫm lưng áo. Nhưng chẳng mấy khi thấy anh than vãn, phàn nàn vì công việc vất vả. Những việc làm bình dị, tận tụy của anh như tấm gương để phạm nhân soi vào tự rèn luyện, sửa đổi thay tâm, đổi tính, hướng tới cái thiện.

Quản giáo Lê Khắc Hùng cũng vậy. Giữa mùa đông lạnh cóng, không ai muốn đụng chân, tay vào nước thì anh Hùng cởi phăng quần áo lội ào xuống ao đánh cá cùng phạm nhân. Cuốc đất, trồng rau, cấy lúa, bón phân... việc gì cũng làm được. Những hình ảnh đó tự thân đã mang tính giáo dục cao với những người đã từng lầm lỗi. Anh Ðồng Minh Châu bảo rằng: "Phạm nhân chỉ tạm thời mất quyền con người. Việc cải tạo họ vì thế không chỉ nghiêm khắc dùng hình phạt, mà phải cảm hóa họ bằng tấm lòng bao dung, nhân ái. Họ có việc làm tốt cần biểu dương. Còn nếu có sai phạm thì điều quan trọng là phải giúp họ nhận ra lỗi lầm, tự giác cải tạo bản thân hoàn lương, trở về đoàn tụ với gia đình".

Phạm nhân đông, mỗi quản giáo ở Trại tạm giam Thanh Hóa phải quản lý từ 30-50 người. Công việc bộn bề, việc quản lý rất phức tạp, thế nên Trại mới có quy định bắt buộc mỗi quản giáo phải thực hiện "bốn biết", gồm: biết tuổi, họ tên; biết quê quán; quá trình phạm tội và nắm diễn biến tư tưởng của từng phạm nhân. Quy định này giúp quản giáo biết hoàn cảnh từng phạm nhân và nguyên nhân vì sao họ phạm tội. Ai là người vô tình, do hoàn cảnh hoặc bị xúi giục phạm tội và ai là kẻ ngoan cố khi đã cải tạo nhiều lần vẫn không "cải tà, quy chính" tiếp tục tái phạm tội phải quay lại trại giam... quản giáo phải nắm để có đối sách và phương thức giáo dục cụ thể với từng người. Vậy nên, có những đối tượng khi mới vào trại hoặc tái tù, đặc biệt là số có án tử hình tỏ ra ngông nghênh, ngang tàng, bất cần đời ngoan cố chối tội, thì cán bộ quản giáo phải giải thích, động viên để họ thấy được chính sách nhân đạo của Ðảng và Nhà nước ta "Ðánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chạy lại".

Ví như trường hợp Lê Văn Mạnh, 35 tuổi, ở Yên Ðịnh, Thanh Hóa (trước đó đã từng đi tù) nay lại phạm tội giết người, hiếp dâm phải nhận án tử hình. Không còn gì để mất, hắn luôn đòi hỏi, yêu sách nhiều điều. Hắn giả bệnh, đòi phải được chăm sóc, đi bệnh viện chữa bệnh. Ðòi không được hắn bỏ ăn, la hét chửi mắng quản giáo. Những lúc như vậy, quản giáo phải kết hợp phương pháp "vừa nhu vừa cương". Khẳng định hắn bắt buộc phải chấp hành hình phạt theo quy định của pháp luật vì đã phạm tội. Ðồng thời khơi dậy bản tính lương thiện, hiền lương trong mỗi con người và đánh vào tâm lý thương vợ, nhớ con khiến hắn bớt hung dữ, biết hối lỗi và còn khuyên bảo các phạm nhân khác "cải tà, quy chính".

Hay như đối tượng Lê Văn Khoa, từng là bộ đội biên phòng. Sau khi ra quân, do thiếu rèn luyện bản thân tự buông thả dẫn đến chơi bời, nợ nần chồng chất phạm tội giết người, cướp của phải nhận án tử hình. Khi Tòa án xử khung hình phạt cao nhất, hắn đã quậy phá làm náo loạn trong nhà giam. Bằng sự chân thành, cảm hóa, Giám thị Nguyễn Văn Nở đã gợi lên bản chất tốt đẹp của hắn trong quá trình là lính biên phòng. Nay với quy định "trước pháp luật mọi người đều bình đẳng" cớ gì lại đòi cho mình cái quyền miễn trừ phải chết, khi tội trạng mà hắn phạm phải nếu xét về tình và lý không thể dung tha. Dường như nhận ra lỗi lầm, Lê Văn Khoa đã hối lỗi. Hắn viết thư xin lỗi bố, mẹ vì đã không thể báo hiếu và mong được tha thứ. Những ngày cuối trong trại giam, hắn nói năng nhẹ nhàng không dám hỗn láo với quản giáo và tự giác chấp hành nghiêm nội quy trong trại.

Biết chịu đựng khó khăn, vất vả chưa đủ. Nếu không yêu nghề không có bầu nhiệt huyết trong công việc, trái tim nhân hậu và nghiệp vụ giỏi thì không làm được nghề trại giam. Ngần ấy cán bộ phải quản hàng trăm phạm nhân. Ai cũng có việc trong lĩnh vực công tác của mình, mọi người tự lo không chỉ làm cho tròn trách nhiệm, mà phải làm có hiệu quả. Không chỉ là giáo dục, cải tạo lao động cán bộ quản giáo có trách nhiệm chăm lo sức khỏe, lo bữa ăn, động viên tinh thần từng người. Nhưng lo nhất là phạm nhân đánh nhau chết do mâu thuẫn trong sinh hoạt, tranh ăn hoặc bỏ trốn khỏi trại giam... lúc ấy, cán bộ quản giáo sẽ nhận án kỷ luật. Ðể phòng ngừa những vụ việc nghiêm trọng này, không có cách nào khác quản giáo phải quản lý chặt chẽ sâu sát phạm nhân. Ðó là lý do vì sao cán bộ trại giam không có ngày nghỉ thứ bảy, chủ nhật. Ðừng nói đến chuyện đưa vợ con đi nghỉ mát, đi du lịch. Những nhu cầu tưởng rất bình thường, nhưng lại xa vời với cán bộ, chiến sĩ trại giam.

"Lính trại giam" dẫu đầy gian nan, bởi công việc nặng nhọc, môi trường công tác độc hại, nhưng các anh, các chị luôn tự trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân từ lời ăn tiếng nói sao cho văn hóa, quần áo gọn gàng, tác phong đĩnh đạc. Có quản giáo nghiện thuốc lá, thuốc lào "thâm niên". Nhưng sau này được Giám thị trại nhắc nhở đã quyết tâm cai bằng được. Bởi các anh không chỉ là người chiến sĩ công an mà các anh còn là nhà giáo-nhà sư phạm đang cải tạo lại những con người từng lầm lỡ. Mong sao khi hết hạn tù, trở về nhà họ trở thành người có hiếu với bố mẹ, thương yêu những người thân trong gia đình, sống có trách nhiệm với bản thân và xã hội. Chỉ có như vậy, họ mới không tái phạm tội.

LÊ PHƯƠNG HIÊN