Hai vợ chồng đều từ miền bắc vào Đà Nẵng sinh sống và lập nghiệp, nên cũng quen với văn hóa sử dụng nấm rơm nhiều trong các bữa ăn. Đặc biệt là ngày rằm, mồng một, số lượng người ăn chay nhiều, nấm thường “cháy hàng” mà giá cả rất cao.
Sau nhiều lần khảo sát giá cả ở khắp nơi, Anh Đào Huy Tùng, chồng chị Thảo nhận thấy chỉ có Đà Nẵng bán cao nhất, với điều kiện không thuận lợi nên việc trồng nấm của nông dân cũng khó khăn hơn. Với đam mê nông nghiệp, mong muốn cho ra sản phẩm nấm với giá thành hợp lý, lại sẵn có đất trong nhà nên cả hai đã quyết định thử nghiệm trồng nấm.
Lúc mới bắt đầu, chị Thảo trồng thử với phương pháp trồng truyền thống với phòng kín rộng 15m2. Với thời tiết thuận lợi, nhiệt độ ổn định, sản phẩm nấm khá đều và đạt chất lượng. Tuy nhiên, nấm trồng truyền thống sẽ phụ thuộc nhiều vào thời tiết nên nông dân “được mùa” nhất chủ yếu vào giai đoạn tháng 4 đến tháng 8. Sau khoảng thời gian đó, Đà Nẵng vào mùa mưa, nhiệt độ thường giảm, nhất là về đêm, độ ẩm cũng thay đổi liên tục gây thiệt hại lớn tới việc làm nấm.
Với suy nghĩ cần phải thay đổi phương thức sản xuất nấm, vừa có thể duy trì mô hình ổn định cả năm, vừa áp dụng kỹ thuật tiên tiến để giảm sự phụ thuộc vào thời tiết, hai anh chị đã quyết định vay vốn mở rộng cơ sở, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Sau ba năm đầu vừa làm vừa thất bại và rút nhiều kinh nghiệm, cùng sự hỗ trợ từ Hội Nông dân, Sở Khoa học Công nghệ, Hội Phụ nữ… sản phẩm “Nấm Rơm Công nghệ cao” của trại nấm Huy Tùng có thể sản xuất quanh năm, cho ra sản phẩm nấm rơm ổn định, chất lượng tốt nhất, với giá cả phù hợp.
“Chúng tôi đầu tư tất cả vào nhà xưởng sản xuất này hết 650 triệu đồng, khoảng 450m2. Bên cạnh đó, nhờ những chương trình hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao của thành phố nên gia đình cũng được quan tâm hỗ trợ đầu tư về vốn, máy móc, đầu ra… nên vợ chồng cũng có thêm động lực và mạnh dạn với ý tưởng của mình”, anh Huy Tùng chia sẻ.
Anh Tùng phụ trách kỹ thuật máy móc, đã cải tiến mở rộng 8 phòng nấm khép kín, mỗi phòng 35m2. Trại nấm đã sử dụng máy móc, công nghệ điều chỉnh được nhiệt độ phòng phù hợp với sự sinh trưởng và phát triển của quả nấm, trung bình nhiệt độ phòng giao động từ 30 – 35 độ C.
Phương pháp này cũng rút ngắn được vòng đời sinh trường của quả nấm, mỗi vụ chỉ từ 12 đến 15 ngày đã cho thu hoạch (phương pháp truyền thống từ 20 đến 25 ngày). Qua đó, có thể căn thời gian cấy giống để có sản phẩm bán ra vào ngày rằm, mồng một, đây là hai khoảng thời gian nấm được tiêu thụ nhiều nhất và giá thành ổn định.
Bên cạnh đó, nguyên liệu ngoài rơm còn có thể tận dụng các nguồn nguyên liệu thải khác như: Vỏ quả bông, bã mía, mùn thải nấm bào ngư, xơ dừa, cây lục bình... Nguyên liệu sau khi ủ sẽ được chất theo dạng kệ và cấy giống nấm vào.
Hiện cơ sở của anh chị có bốn công nhân chính tham gia sản xuất trực tiếp và 5 lao động thời vụ, chủ yếu là hội viên hội phụ nữ trên địa bàn phường, những cô trên 60 tuổi cần làm thêm. Cô Nguyễn Thị Phước (68 tuổi), một trong những lao động cố định của trại nấm, thường mỗi tháng cô làm 20 ngày, chủ yếu vào giai đoạn đưa nguyên liệu vào phòng, thu hoạch và đẩy nguyên liệu ra ngoài.
Cô Phước tâm sự: “Mỗi tháng cô thu nhập 4 triệu đồng từ làm nấm, lượng công việc cũng nhẹ nhàng phù hợp tuổi tác của các chị em tại đây. Thời gian vừa qua ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mình có việc làm rất tốt rồi, có thêm kinh phí trang trải trong gia đình”.
Mỗi phòng nấm của anh chị cần khoảng 600kg nguyên liệu, cho sản lượng 80kg nấm. Trại nấm đang cung cấp sản phẩm tại Chợ Đầu Mối Hòa Cường và các chợ truyền thống, đồng thời tiếp cận kênh bán hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng thông qua Facebook, Zalo... Với giá bán sỉ ngày rằm và mồng một (âm lịch) hàng tháng từ 130.000 - 140.000/kg, mỗi tháng, sau khi trừ hết chi phí, anh chị thu về khoảng 35 triệu đồng.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của máy móc đã hạn chế tối đa việc phát sinh khí thải, bụi và tiếng ồn ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Cơ sở cũng xây dựng hệ thống hiện đại, không thải nguồn nước ra bên ngoài. Sau khi thu hoạch sản phẩm, chất thải được sử dụng ủ làm phân hữu cơ để bán cho các vườn rau, cửa hàng về nông nghiệp.
Nói về ý định thời gian tới, chị Phương Thảo cho hay: “Chúng tôi hướng tới sẽ mở rộng thêm cơ sở, thành lập hợp tác xã nông nghiệp khép kín về nấm, cung cấp đất sạch, phân hữu cơ, phối hợp trồng hoa, cây cảnh từ phân do mình làm được. Mong rằng có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị mini, cửa hàng thực phẩm chuyên về nông sản sạch trên địa bàn thành phố”. Anh chị cũng sẵn sàng hỗ trợ và chia sẻ công nghệ đến với những nông dân khác để có thể trồng nấm ổn định quanh năm, tăng thu nhập cho các hộ sản xuất nấm của thành phố.