Tạo đột phá từ nông nghiệp thông minh

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, những năm gần đây, hoạt động chuyển đổi số trong nông nghiệp được các tỉnh tại Tây Nguyên rất chú trọng đầu tư.

Tạo đột phá từ nông nghiệp thông minh

Những bước đi ban đầu

Ngày 3/12/2020 UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 2415/KH-UBND về chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, nông nghiệp được xác định là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 41 mã số vùng trồng cây ăn quả, tám cơ sở đóng gói trái cây phục vụ xuất khẩu; 12 dự án trồng trọt nông nghiệp công nghệ cao, hơn 100 cơ sở sử dụng tem truy xuất nguồn gốc với khoảng 1,2 triệu tem; 306 đơn vị đăng ký sử dụng mã số mã vạch GS1; công nghệ tưới tiết kiệm, hệ thống điều khiển giám sát và thu thập dữ liệu (SCADA) trong quản lý khai thác các công trình thủy lợi được triển khai; có 16 dự án chăn nuôi công nghệ cao được UBND tỉnh có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư.

Tại Đắk Lắk, nhiều công nghệ hiện đại đã được ứng dụng hiệu quả vào sản xuất nông nghiệp. Một số cơ sở đã ứng dụng phần mềm AutoAgri (Nông nghiệp thông minh) cho bơ, sầu riêng, vải thiều, ca-cao... Phương pháp tưới nước tiết kiệm được điều khiển qua điện thoại di động như tưới phun mưa tại gốc, tưới nhỏ giọt, tưới thấm... cũng được vận dụng.

Tỉnh Lâm Đồng, vùng đất phía nam Tây Nguyên, nơi có hơn 25,7% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong tổng dân số hơn 1,3 triệu người, được đánh giá là địa phương nhóm đầu cả nước về nông nghiệp thông minh 4.0. Toàn tỉnh hiện có 21 doanh nghiệp đã tiếp cận ứng dụng công nghệ IoT; big data; Blockchain; camera theo dõi sự sinh trưởng của cây, các loại thiết bị cảm biến môi trường, nhà kính có hệ thống tự động điều chỉnh; hệ thống cảm biến kết nối máy tính, điện thoại di động thông minh để quản lý đồng bộ, điều khiển tự động về độ ẩm, nhiệt độ, nước tưới, dinh dưỡng; công nghệ nhân giống in vitro, công nghệ đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống bò sữa... Tỉnh Lâm Đồng có gần 200 ha diện tích áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh 4.0 với những giải pháp phù hợp để tăng năng suất và giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi. Nhiều trang trại đã cho doanh thu từ 5-8 tỷ đồng/ha/năm; có những trang trại trồng hoa cao cấp cho doanh thu 24 tỷ đồng/ha/năm…

Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là phát triển nông nghiệp thông minh mà còn ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử. Lâm Đồng hiện có số lượng nông sản trên sàn Postmart.vn nhiều nhất trong toàn vùng với 235 sản phẩm, tiếp theo là Gia Lai với 160 sản phẩm; các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông lần lượt là 57, 49 và 23 sản phẩm.

Bốn nhóm giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn

Cùng với những kết quả khả quan ban đầu, vẫn tồn tại nhiều nguyên nhân khiến hiệu quả của việc chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp vùng Tây Nguyên chưa cao, mới chỉ dừng lại ở một số mặt và khâu của chuyển đổi số. Tư duy, hình dung của người dân, doanh nghiệp và cả cơ quan, công chức làm về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa rõ ràng, thậm chí là phiến diện hoặc đơn giản. Cơ chế, chính sách, hướng dẫn về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đủ mạnh và đồng bộ; nguồn lực tham gia chuyển đổi số còn hạn chế, thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp vẫn là những rào cản. Cơ sở dữ liệu số phục vụ cho chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hạn chế. Nguồn nhân lực cho công nghệ số không nhiều và chưa được đào tạo một cách cơ bản, chưa được quan tâm đầu tư một cách đúng mức…

Muốn hóa giải khó khăn, vướng mắc trên, cần có sự kết hợp hài hòa nhiều giải pháp đồng bộ: Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển kinh tế số trong nông nghiệp. Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng cơ sở dữ liệu làm tiền đề cho mối liên kết mới trong sản xuất-quản lý-tiêu thụ giữa các mắt xích tham gia chuỗi sản xuất. Ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên cần xác định được những yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số chính là việc liên kết giữa các đơn vị với nhau, gồm: liên kết giữa người dân, doanh nghiệp và thị trường; liên kết giữa người dân, doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước với thị trường, bên cạnh đó cần triển khai thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch... Cần xác định vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp không phải của riêng một cơ quan, tổ chức nào mà của toàn Đảng, toàn dân, toàn hệ thống chính trị, chính quyền, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân cũng như các ban, ngành liên quan.

Đến hết tháng 3/2022, trong tổng số 6.659 sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại Postmart.vn, toàn vùng Tây Nguyên có 524 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 7,87%, trong đó có 28 sản phẩm OCOP.