Đây là công nghệ được kỳ vọng sẽ giúp nông dân tăng thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung là vùng sản xuất nông nghiệp với nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhất là các cây công nghiệp, cây ăn trái…
Tuy nhiên, hiện nay việc sử dụng phân bón của nông dân vẫn chưa đạt hiệu quả, thậm chí gây lãng phí, nhất là trong bối cảnh giá phân bón tăng cao như hiện nay đã làm giảm hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất. Do đó, việc ứng dụng công nghệ Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo trong bón phân là cần thiết và phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp hiện đại ngày nay.
Tiến sĩ Trần Vinh, Quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên phát biểu tại lễ ký kết hợp tác. |
“Chính vì vậy, Viện Khoa học kỹ thuật Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên phối hợp với Công ty Enfarm Agritech ký kết hợp tác trong việc nghiên cứu công nghệ bón phân thông minh trên cây cà-phê sẽ là cơ hội tốt để viện tiếp cận được công nghệ mới, công nghệ thông minh.
Trước mắt sẽ áp dụng thí nghiệm trong sản xuất cà-phê tại Viện, từ đó làm cơ sở cho việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, công nghệ 4.0 cho bà con nông dân nắm bắt, sử dụng và đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường trong sản xuất cà-phê. Từ đó, nhân rộng mô hình đến các loại cây trồng khác để tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới”, Tiến sĩ Trần Vinh chia sẻ.
Quang cảnh lễ ký hợp đồng hợp tác nghiên cứu công nghệ phân bón phân “thông minh”. |
Đại diện của Công ty Enfarm Agritech, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hồ Long Phi, nguyên Viện trưởng Viện Nước và Biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Phân bón có vai trò quyết định trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay phân bón chưa được sử dụng hiệu quả và bền vững.
Theo một nghiên cứu công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệu suất sử dụng phân bón ở Việt Nam khá thấp và có khoảng 60% lượng phân không được cây hấp thụ, ngoài một phần cố định trong đất, một phần bay hơi do tác động của nhiệt độ, phần phân còn lại bị rửa trôi theo nước mặt do mưa và thẩm thấu xuống tầng nước ngầm, gây ô nhiễm nguồn nước.
Xét về mặt kinh tế thì hiện trạng này đồng nghĩa 60% chi phí người nông dân bỏ ra mua phân bón bị lãng phí.
Vì vậy, để tìm giải pháp nâng cao thu nhập cho người nông dân, đồng thời bảo đảm an toàn thực phẩm và giảm tác động môi trường, phía công ty đã và đang nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) và AI (trí tuệ nhân tạo) trong bón phân.
Với việc kết hợp một bộ thiết bị và một ứng dụng trong điện thoại thông minh sẽ giúp nông dân biết khi nào cần bón phân, loại phân gì và bón bao nhiêu là vừa đủ, nhằm tối đa năng suất, từ đó giảm chi phí phân bón, đồng thời hạn chế lượng phân dư thừa thất thoát ra môi trường.
Bên cạnh đó, công nghệ của công ty kết hợp với các công thức và kỹ thuật bón phân khoa học sẽ tối ưu hóa không chỉ việc bón phân mà cả cả lượng nước tưới cho phù hợp với từng loại đất, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế của cây cà-phê lên một mức độ cao chưa từng thấy.
Theo Công ty Enfarm Agritech, ứng dụng nông nghiệp thông minh của công ty còn tích hợp các chức năng dự báo thời tiết, dự báo giá cả và lợi nhuận, chẩn đoán sâu bệnh, sổ tay nông nghiệp điện tử cũng như giải đáp các thắc mắc của nông dân bằng AI (trí tuệ nhân tạo) nhằm giúp người nông dân tăng cơ hội làm chủ kỹ thuật nông nghiệp, nắm bắt tín hiệu của thị trường để gia tăng thu nhập và góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp Việt Nam.