Giữ nhiệt huyết của những “trái tim” gác rừng Chư Yang Sin

NDO - Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học lớn nhất Việt Nam, với diện tích gần 60.000 ha. Đây là nơi bảo vệ hệ sinh thái của các loài động, thực vật quý hiếm, nhiều loài trong đó có nguy cơ tuyệt chủng do tình trạng săn bắn trái phép. Điều này khiến công tác bảo vệ rừng tại đây trở nên cấp bách và đối mặt với nhiều thách thức, nhất khi lực lượng kiểm lâm còn thiếu thốn về nguồn nhân lực và thu nhập thấp.
Góc học tập của các con M. - kiểm lâm viên người M'Nông tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Góc học tập của các con M. - kiểm lâm viên người M'Nông tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Đội ngũ kiểm lâm tại đại ngàn Chư Yang Sin là những người đầy nhiệt huyết, ngày đêm thực hiện các chuyến tuần tra đầy hiểm nguy để bảo vệ sự sống của hệ sinh thái Chư Yang Sin. Thế nhưng, họ cũng gặp không ít khó khăn trong việc cân bằng giữa nhiệm vụ bảo vệ rừng và chăm lo cho gia đình nhỏ bé.

Trăn trở của những người giữ rừng

Diện tích bảo tồn rộng lớn nhưng Vườn Quốc gia Chư Yang Sin chỉ có khoảng 100 cán bộ kiểm lâm phụ trách tuần tra và bảo vệ rừng. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi kiểm lâm phải đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ. Lịch trình tuần tra của họ dày đặc, nhất vào những mùa cao điểm cảnh báo: mùa khô có thể cháy rừng, mùa mưa thì thường đối mặt với lâm tặc hoặc thợ săn. Họ phải xa gia đình hàng tuần để liên tục thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm an toàn cho rừng.

Thế nhưng, hơn 90% cán bộ kiểm lâm tại vườn hiện nay là trụ cột kinh tế chính trong gia đình. Họ phải đối mặt với việc cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân. Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia còn có sự tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số, những người từng phụ thuộc vào rừng để sinh sống.

Anh M. là một trong những kiểm lâm người M'Nông đang phải đối diện với nỗi lo ấy. Căn nhà nhỏ của anh nằm lưng chừng đồi Cư Pui, giản dị với 2 gian phòng thô sơ trên nền đất. Trong nhà không có nhiều vật dụng, chiếc giường ọp ẹp là nơi tiếp khách, cũng là chỗ gia đình anh nghỉ ngơi sau những ngày dài. Bàn học gỗ đặt cạnh cửa sổ để lấy ánh sáng tự nhiên là đèn học của 3 đứa con nhỏ.

“Mỗi sáng, chị em tự gọi nhau đi học, rồi cùng bạn bè trong làng đi bộ ven đường núi 5-6km đến trường. Vợ tôi phải đi rẩy nương từ tờ mờ sáng, còn bố thì đa số đi trực, chưa kịp về nhà nên chỉ biết dặn dò động viên các con bảo ban nhau đi học lấy con chữ”, anh M. chia sẻ về những khó khăn của gia đình nhỏ.

Có lẽ, điều giản dị như được bố mẹ đưa đến trường, với các em ở vùng đệm quanh cao nguyên Chư Yang Sin, lại trở thành một niềm ao ước. Với mức thu nhập hạn chế, anh M. và các đồng nghiệp khó có thể trang trải cho gia đình đời sống no đủ.

Cuộc sống của các cán bộ kiểm lâm nơi đây quả thực không dễ dàng. Họ càng khó khăn hơn khi trong gia đình không may có người đau ốm. Anh T. - kiểm lâm viên tại huyện Lắk là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt. Anh cũng có 3 người con, đứa con cả mắc chứng tự kỷ tăng động.

Giữ nhiệt huyết của những “trái tim” gác rừng Chư Yang Sin ảnh 1

Người con không may mắc chứng tự kỷ tăng động của anh T.

Từ khi phát hiện bệnh của con, gia đình anh đã phải bán căn nhà và mảnh đất ở quê để lấy tiền chữa trị. Hiện tại, cả nhà sống trong một căn nhà nhỏ được dựng lên nhờ sự giúp đỡ của người thân và hàng xóm. Mong ước có nhiều thời gian hơn để chăm sóc đứa con nhỏ bị bệnh, song công việc ít khi cho phép anh thường xuyên ở nhà.

"Mỗi tháng có 3 tuần ở trạm trực, chỉ có 1 tuần để về nhà. Mà tuần đó cũng chưa chắc được ở bên gia đình trọn vẹn, vì nếu có việc khẩn cấp như cháy rừng, chúng tôi lại phải lên đường ngay lập tức", anh T. nghẹn ngào khi nhớ về con.

Ươm những “Mầm non của rừng"

Những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ kiểm lâm không chỉ thể hiện sự trách nhiệm trong công việc mà còn khơi dậy câu chuyện về lòng yêu nghề và sự nhiệt huyết. Nhờ đó, xã hội và nhiều cộng đồng đã đồng hành, chia sẻ với những khó khăn mà họ đang phải đối mặt.

Chiến dịch “Mầm non của rừng” là một trong những chiến dịch gây quỹ cộng đồng. Qua đó, kêu gọi sự đồng hành của cộng đồng san sẻ những gánh nặng của lực lượng kiểm lâm tại Chư Yang Sin.

Trước thềm năm học mới 2024-2025, Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã Việt Nam (WildAct) đã phát động chiến dịch và thành công gây quỹ hơn 100 triệu động dành tặng cho con em kiểm lâm tại đây. Chương trình đã trao tặng 10 suất học bổng, mỗi suất trị giá 5 triệu đồng cho những em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, 225 phần quà cũng được trao tặng cho các con em kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng.

Giữ nhiệt huyết của những “trái tim” gác rừng Chư Yang Sin ảnh 2

Sự hỗ trợ của cộng đồng đã giúp đỡ nhiều gia đình kiểm lâm Chư Yang Sin vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bà Lê Thu Hà, người điều phối chương trình gây quỹ cho biết: “Khi được lắng nghe, nhìn thấy hoàn cảnh gia đình của những kiểm lâm tại vườn, tôi vô cùng đồng cảm. Gia đình là nguồn sức mạnh và động lực lớn của những các cán bộ kiểm lâm. Vì vậy, chúng tôi muốn được đồng hành cùng các em nhỏ, trao cơ hội, điều kiện học tập tốt hơn để các em có thể trở thành những mầm non sáng trong tương lai".

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ tài chính, chiến dịch còn tổ chức các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho các em về công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học. Đây là cách giúp các em hiểu rõ hơn về công việc của cha mẹ mình. Đồng thời, truyền cảm hứng để các em yêu thêm môi trường, trao thêm cơ hội để các em có thể tiếp nối hành trình mà cha mẹ đang thực hiện.

Ông Lộc Xuân Nghĩa, Giám đốc Vườn Quốc gia Chư Yang Sin chia sẻ: "Chúng tôi rất xúc động và biết ơn vì sự quan tâm của cộng đồng với những cống hiến của lực lượng kiểm lâm tại đây. Sự hỗ trợ này không chỉ trao cơ hội, điều kiện học tập cho các cháu, mà còn khích lệ tinh thần để những kiểm lâm viên yên tâm tiếp tục làm tốt công việc bảo vệ rừng".