Hơn 1000 học sinh và giáo viên đã tham dự hội thi. 7 kịch bản xuất sắc được lựa chọn đã công diễn thành công tại gala chung kết. Các đội thi tài năng với những góc nhìn mới mẻ đã mang đến gala chung kết hội thi kịch những màn trình diễn độc đáo, đầy sáng tạo cùng với những thông điệp ý nghĩa về chủ đề chim di cư.
Giải Nhất cuộc thi thuộc về tác phẩm “Cánh chim quê hương” của Trường tiểu học Yên Đồng. Giải Nhì thuộc về tác phẩm “Lời tâm sự của cò và vạc” của Trường tiểu học Yên Phú. Giải bình chọn thuộc về tác phẩm “Nơi đàn chim trở về” của Trường tiểu học Yên Phong.
Phần thi “Cánh chim quê hương” đầy cảm xúc của các em học sinh Trường tiểu học Yên Đồng |
Bà Phạm Thị Tuất, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình) cho biết: "Hội thi có ý nghĩa với học sinh và cộng đồng địa phương tại huyện Yên Mô. Thông qua các phần thi, các em học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh, cộng đồng người dân sẽ có nhận thức tốt hơn về tầm quan trọng của chim di cư, từ đó có hành động đúng đắn hơn về việc săn bắt và buôn bán trái phép chim di cư".
Là một trong 3 tỉnh thuộc Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng, Ninh Bình là một trong những điểm dừng chân lý tưởng của nhiều loài chim di cư. Thế nhưng các hành động săn bắt, buôn bán trái phép diễn ra ngày càng nghiêm trọng đã đẩy nhiều loài chim di cư đến bờ vực tuyệt chủng và gây ra những hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh thái thiên nhiên và con người.
Bà Phạm Thị Tuất (áo nâu) trao giải cho đội thi đạt giải Nhất |
Trong năm 2023 vừa qua, Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã WildAct, dưới sự tài trợ của Quỹ Intrepid cũng đã triển khai nhiều hoạt động trong dự án “Bảo vệ chim di cư” nhằm lan tỏa và nâng cao nhận thức về các vấn đề chim di cư tới các em học sinh, giáo viên và cộng đồng người dân địa phương tại tỉnh Ninh Bình như: Cuộc thi ý tưởng tranh tường “Vẽ cánh chim bay”, triển lãm và tọa đàm chia sẻ trong buổi sinh hoạt dưới cờ về thông tin về 4 loài chim di cư nguy cấp/cực kỳ nguy cấp gồm: Rẽ mỏ thìa, Cò mỏ thìa mặt đen, Cò trắng Trung Quốc và Mòng biển mỏ ngắn.
Kết quả, có hơn 10.000 người dân địa phương được tiếp cận thông tin, gần 2.500 học sinh và phụ huynh tham gia ký cam kết không săn bắt hay tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ chim di cư.
Trung tâm Hành động vì động vật Hoang dã WildAct cho biết, vào năm 2024, các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các loài chim di cư sẽ tiếp tục được nhân rộng và triển khai tại 3 tỉnh Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Trong đó, các hoạt động như tổ chức hội thảo, trải nghiệm thiên nhiên cho các em học sinh, triển lãm tranh tại các trường học, đêm hội cộng đồng và các sáng kiến bảo tồn chim di cư sẽ được thực hiện. Qua đó, thúc đẩy sự tham gia của trẻ em, người dân địa phương cùng với các cơ quan địa phương thực thi pháp luật, các tổ chức xã hội chung tay bảo tồn chim di cư.