Gieo những “hạt giống đỏ” trong sinh viên Đại học Thái Nguyên

NDO - Đại học Thái Nguyên là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lớn nhất ở vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Đảng bộ Đại học Thái Nguyên luôn duy trì khoảng 15% đảng viên là sinh viên. Để có cái nhìn tiệm cận về tiềm năng, thuận lợi trong việc phát triển Đảng là sinh viên; phát huy nhiệt huyết, cảm hứng của sinh viên là đảng viên sau khi ra trường, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên.
0:00 / 0:00
0:00
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang trao giấy khen cho những nhà khoa học tiêu biểu của Đại học Thái Nguyên.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang trao giấy khen cho những nhà khoa học tiêu biểu của Đại học Thái Nguyên.

Phóng viên: Đồng chí đánh giá như thế nào về năng lực, nhiệt huyết, ý thức chính trị, tiềm năng phát triển Đảng trong sinh viên Đại học Thái Nguyên?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Quy mô đào tạo của Đại học Thái Nguyên là hơn 70 nghìn người học ở các trình độ, trong đó có gần 1000 sinh viên quốc tế đến từ 23 nước trên thế giới; tỷ lệ người học đến từ 20 tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số gần 40%. Các trường đại học thành viên đã có hơn nửa thế kỷ phát triển, cùng với 30 năm phát triển Đại học Thái Nguyên đã chung sức đào tạo hơn 600 nghìn cán bộ có trình độ đại học, hơn 20 nghìn thạc sĩ và tiến sĩ.

Người tốt nghiệp đã phát huy tốt chuyên môn, có năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của vùng và cả nước; nhiều người đã trở thành chính trị gia, nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nhà giáo, thầy thuốc, kỹ sư xuất sắc, đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục, phát triển kinh tế và xã hội của cả nước, đặc biệt là vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Vùng tuyển sinh của Đại học Thái Nguyên là cả nước, trong đó trọng tâm khu vực trung du miền núi Bắc Bộ, nơi có bề dầy về truyền thống cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nơi đây đã tích tụ nhiều giá trị tốt đẹp về lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, trầm tích văn hóa của các dân tộc thiểu số đã và đang trở thành nguồn lực quý giá.

Với truyền thống quê hương, các em sinh viên đã được nuôi dưỡng tâm hồn từ nhỏ, trong quá trình học tập ở giáo dục phổ thông, truyền thống từ các thế hệ ông, bà, cha mẹ…Với môi trường sống đậm đặc các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng từ gia đình, làng bản quê hương đã nuôi dưỡng ý chí, thúc đẩy các em có ý thức rất sớm về tinh thần nỗ lực, ý chí trong học tập.

Có thể nói, tiềm năng phát triển Đảng trong sinh viên của Đại học Thái Nguyên là khá lớn, có nhiều lợi thế so các vùng khác.

Phóng viên: Từ lý luận và thực tiễn, đề nghị đồng chí cho biết quan điểm về vai trò, ý nghĩa của việc kết nạp Đảng là sinh viên?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Về nguyên tắc xây dựng Đảng, chu trình phát triển một tổ chức cần tập trung xây dựng đội ngũ đảng viên- đây là nhiệm vụ thường xuyên. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đã nhấn mạnh giải pháp: Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên. Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy trong công tác phát triển Đảng…Tiếp tục tăng số lượng, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng phát triển đảng viên; đẩy mạnh bồi dưỡng, kết nạp vào Đảng những đoàn viên, hội viên ưu tú, trưởng thành trong lao động, học tập...

Kết nạp Đảng trong sinh viên còn có tầm quan trọng đặc biệt bởi đây là những trí thức tương lai, đảm nhận nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống nhân lực chất lượng cao trong mọi lĩnh vực.

Qua kinh nghiệm của Đại học Thái Nguyên, nhiều sinh viên xuất sắc từ trong trường đại học được kết nạp Đảng, có nhiều “hạt giống đỏ” đã được ươm mầm, khi ra trường có nhiều đóng góp rất tích cực cho xã hội, đất nước.

Đó là: Đại học Thái Nguyên đã có nhiều cựu sinh viên giữ nhiều trọng trách trong hệ thống quản lý các cấp, nhiều người đã trở thành chính trị gia, nhà khoa học, nhà quản lý tiêu biểu.

Phóng viên: Là người chỉ đạo, tâm huyết phát triển Đảng trong sinh viên, đồng chí cho biết việc phát triển Đảng trong sinh viên Đại học Thái Nguyên có thuận lợi, khó khăn gì?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Khó khăn lớn là môi trường công tác sau tốt nghiệp-đó là việc làm, điều căn cốt để người học theo đuổi. Mọi khát vọng, lý tưởng của các em sẽ được thực tiễn khá khắc nghiệt kiểm nghiệm bởi sự cạnh tranh, bởi nguy cơ thất nghiệp…và nhiều sự biến đổi về môi trường sống, nhất là đối với những người tốt nghiệp có việc làm ở khu vực tư nhân hoặc nơi không có tổ chức Đảng sẽ khiến cho những khó khăn về sinh hoạt Đảng, tác động mạnh đến ý thức chính trị, những yêu cầu công tác và nhiều tác động không tích cực khác.

Thực tiễn các trường đại học cũng đang xuất hiện các trở ngại về công tác phát triển Đảng trong sinh viên, đó là mâu thuẫn giữa hoạt động chung với năng lực độc lập cá nhân với mô hình học theo tín chỉ; từ việc các em phải tập trung cho hoạt động xã hội-là nơi bộc lộ năng lực hoạt động xã hội khi tham gia đoàn, hội với hoạt động chuyên môn sâu. Nên có thể có sự mất cân bằng giữa những sinh viên giỏi khoa học chuyên ngành với hạn chế trong hoạt động xã hội.

Tuy nhiên, thuận lợi là cơ bản bởi môi trường đại học đậm tính sáng tạo, dân chủ, hoạt động tương tác giữa môi trường nhà trường với xã hội đã tạo nhiều cảm hứng cho người học; nhiều nội dung chương trình giáo dục lý tưởng, chính trị, đạo đức, văn hóa…thật sự tạo nhiều giá trị tốt đẹp để sinh viên có mục tiêu phấn đấu.

Phóng viên: Thời gian vừa qua, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đã triển khai những giải pháp nào để đẩy mạnh kết nạp Đảng là sinh viên?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Có ba giải pháp chính: Một là về chương trình toàn khóa đã xác định mục tiêu của Đảng bộ là duy trì kết nạp đảng viên là sinh viên có tỷ lệ 15%, nhiệm kỳ 2015-2020 đạt hơn 16%. Đây là chỉ tiêu rất khó, nhưng chúng tôi quyết tâm thực hiện, được quán triệt, giao nhiệm vụ đến các đảng bộ và được kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Hai là, tăng cường bổ sung, hoàn thiện nội dung, chương trình, phương thức giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt là lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Đổi mới cách dạy các môn lý luận chính trị, đổi mới hoạt động đoàn hội, nhất là các hoạt động tình nguyện, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, hướng dẫn sản xuất, tư vấn học tập, khám chữa bệnh, phòng chống dịch, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, công tác giảm nghèo… đã và đang trở thành nét văn hóa đẹp của giảng viên, sinh viên Đại học Thái Nguyên.

Ba là, có nhiều hoạt động bồi dưỡng, động viên, thúc đẩy sinh viên tham gia sinh hoạt chính trị, xã hội để bồi dưỡng cảm tình Đảng cho sinh viên. Sớm hoàn thiện hồ sơ kết nạp Đảng đối với sinh viên theo đúng quy trình, Điều lệ Đảng và phù hợp với thực tiễn của trường đại học.

Gieo những “hạt giống đỏ” trong sinh viên Đại học Thái Nguyên ảnh 2

Sinh viên Đại học Thái Nguyên hiến máu tình nguyện.

Phóng viên: Sinh viên là đảng viên có kiến thức, giàu nhiệt huyết, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu trong các hoạt động trong trường. Khi ra trường, đảng viên từng là sinh viên còn phát huy được những phẩm chất này không, nguyên nhân vì sao thưa đồng chí?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Đây là một thực tế cần phải chấp nhận, thậm chí phải coi như một thách thức lớn mà người học phải trải qua. Môi trường đại học với nhiều mơ ước và nhiều khát vọng của sinh viên đã và đang được nhà trường trang bị đầy đủ về lý luận khoa học và định hướng. Tuy nhiên, để duy trì cảm hứng và có được năng lực thực tế, đòi hỏi người tốt nghiệp phải có năng lực thích ứng nhanh với thị trường lao động từ khi ở trong trường đại học.

Điều này đã được các trường đại học thành viên của Đại học Thái Nguyên ý thức, bởi việc đưa sinh viên ra ngoài thực tế, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp rất sớm… Điều quan trọng là môi trường đại học góp phần hình thành năng lực chuyên gia, còn môi trường hoạt động thực tiễn là nơi quyết định năng lực của họ.

Đây cũng là quy luật, cũng là thách thức lớn đòi hỏi bài toán tổng thể theo quan điểm “phát triển nguồn nhân lực” của Chương trình Phát triển liên hợp quốc (UNDP) là: “Phát triển nhân lực là phát triển nhân tính, khả năng của con người và sử dụng năng lực ấy”. Việc sử dụng người giỏi sẽ tạo động lực đúng cho công tác đào tạo chất lượng.

Phóng viên: Với lý luận và thực tiễn phong phú, là người lãnh đạo tổ chức Đảng và quản lý đào tạo với quy mô lớn, đồng chí kiến nghị gì với cấp thẩm quyền để đẩy mạnh phát triển Đảng trong sinh viên; phát huy năng lực, nhiệt huyết của đảng viên là sinh viên sau khi ra trường?

Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang: Vốn quý của đất nước là trí tuệ, sức sáng tạo là lợi thế của người trẻ tuổi, cơ hội thực hiện khát vọng phát triển đất nước đòi hỏi phải có được nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì thế phải thực sự coi trọng giáo dục đào tạo, trọng tâm vào giáo dục đại học. Sinh viên giỏi, lại được đào tạo, bồi dưỡng trở thành đảng viên là những nguồn lực rất quan trọng cho Đảng, cho đất nước, cùng với việc yêu cầu cao về năng lực, phẩm chất người học, ý thức và trách nhiệm cao của người đảng viên thì cần tạo môi trường hoạt động cho họ.

Chiến lược phát triển nguồn lực chất lượng cao cần quan tâm đồng bộ về lương, môi trường hoạt động và cơ hội thăng tiến cho họ. Bởi chỉ có môi trường tốt, thì con người với những năng lực, phẩm chất được nuôi dưỡng từ trường đại học sẽ được thắp sáng.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!