Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện một số bộ, ban, ngành, tỉnh, thành phố, trường đại học trong nước; đại sứ, đại diện đại sứ quán nhiều nước dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, Đại học Thái Nguyên ngày nay đã tạo được thương hiệu, uy tín cao, phát triển toàn diện cả về quy mô, ngành nghề và chương trình đào tạo; công tác nghiên cứu khoa học đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều công trình nghiên cứu có chất lượng được đăng tải trên những tạp chí khoa học và nhà xuất bản uy tín trong và ngoài nước; nhiều công trình nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và đất nước.
Đồng chí Quyền Chủ tịch nước vui mừng, Đại học Thái Nguyên được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất là ghi nhận của Đảng và Nhà nước đối với thành quả lao động và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, giảng viên trong những năm qua; đồng thời đánh giá cao việc Đại học Thái Nguyên xác định tầm nhìn đến năm 2045 nằm trong nhóm các đại học hàng đầu của châu Á.
Trước xu thế phát triển mới của thời đại cùng với cuộc cách mạng 4.0 đã mở ra nhiều cơ hội và thách thức cho đất nước ta nói chung và sự nghiệp phát triển đào tạo nói riêng, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị Đại học Thái Nguyên tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục-đào tạo và phát triển vùng.
Đồng chí cho rằng, Đại học Thái Nguyên phải năng động, sáng tạo, có phương pháp, cách làm bài bản, khoa học, có lộ trình và bước đi phù hợp để xây dựng Đại học phát triển vững mạnh; trong đó cần xây dựng mô hình quản trị đại học hiện đại, kiên trì thực hiện tự chủ đại học không chỉ về tài chính, đầu tư mà còn tự chủ về chương trình, phương pháp đào tạo, tiếp cận với xu thế hiện đại và phù hợp với thực tiễn của đất nước.
Đồng chí Võ Thị Ánh Xuân trao ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Đại học Thái Nguyên. |
Bên cạnh đó, Đại học Thái Nguyên cũng cần quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường làm việc văn minh, hiện đại và từng bước có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ giảng viên để họ yên tâm công tác, gắn bó, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Quyền Chủ tịch nước đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các bộ, ngành Trung ương, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và dành nguồn lực hỗ trợ để Đại học Thái Nguyên phát triển theo đúng định hướng đã đề ra.
Trình bày diễn văn tại Lễ kỷ niệm, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên khẳng định, Đại học Thái Nguyên được thành lập theo Nghị định số 31/CP ngày 4/4/1994 của Chính phủ trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các trường đại học trên địa bàn thành phố Thái Nguyên là cần thiết, thể hiện quan điểm của Đảng, Nhà nước xác định giáo dục, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; thành lập đại học quốc gia, đại học vùng làm đầu tầu, nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực.
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, Đại học Thái Nguyên đã đạt được nhiều thành tựu, trở thành một trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đa lĩnh vực; nơi tư vấn và phản biện các chính sách phát triển bền vững kinh tế, xã hội vùng trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước.
Đến nay, Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên đã đào tạo 600 nghìn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ đã và đang đóng góp lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và giữ gìn an ninh, quốc phòng của đất nước.